Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

14 xu hướng mới của ngành du lịch

14 XU HƯỚNG MỚI CỦA NGÀNH DU LỊCH

Các xu hướng thay đổi, nhu cầu mới liên tục hình thành đã gây tác động lớn đến các ngành công nghiệp hiện tại và ngành công nghiệp du lịch cũng không ngoại lệ. Nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt và đáp ứng tốt hơn trong bối cảnh mới, nhất là dưới ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu COVID-19, iPEC tổng hợp và cập nhật một số xu hướng mới có khả năng vận dụng đối với ngành du lịch tỉnh nhà, cũng như ngành du lịch của Việt Nam nói chung.

1. Du lịch an toàn

Các hãng hàng không, dịch vụ du lịch biển, khách sạn, nhà hàng hay quán bar, kể từ khi bùng phát COVID đã đặt các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh lên hàng đầu. Biểu hiện như tăng cường dọn dẹp vệ sinh, gia tăng khoảng cách giữa các vị trí ngồi, sử dụng gel rửa tay và đeo khẩu trang ở mọi nơi,… Đây chính là một phần quan trọng của tiếp thị du lịch nhằm giữ an toàn cho khách hàng, vì không ai muốn mình bị cách ly sau chuyến du lịch.

 2. Tập trung vào các dịch vụ giải trí

Dịch bệnh COVID đã buộc các quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và sử dụng tính năng gọi video. Theo đó, các sự kiện kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các xu hướng du lịch cũng chuyển sang phục vụ khách hàng có nhiều thời gian nhàn rỗi. Tùy thuộc vào loại hình,  doanh nghiệp có thể tạo các dịch vụ tập trung vào nhóm gia đình, cặp đôi hoặc nhóm bạn bè. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chú ý vào phản ứng của các đối thủ cạnh tranh, đánh giá cách làm của họ, có mang đến cảm hứng sáng tạo mới cho doanh nghiệp mình hay không.

3. Thanh toán điện tử

Việc thanh toán điện tử không tiếp xúc đã xuất hiện từ lâu khi nói về việc ứng công nghệ trong du lịch, nhất là sự xuất hiện của Google Pay và Apple Pay đã giúp phát triển lên tầm cao mới. Tại Việt Nam, các ví thanh toán điện tử đang dần trở nên thông dụng như VNPay, MOMO, Viettel Pay, VNPT Pay,… Theo đó, khách hàng không cần phải mang theo thẻ tín dụng để thanh toán các chi phí., do vậy giảm giảm thiểu việc tiếp xúc, va chạm và rút ngắn thời gian nhận, trả phòng và các giao dịch cũng được thực hiện một cách nhanh chóng.

4. Tìm kiếm và điều khiển bằng giọng nói

Nhờ vào các trợ lý di động như Siri, Google Assistant và Bixby, ngày càng có nhiều khách hàng du lịch tìm kiếm bằng giọng nói. Nếu doanh nghiệp muốn có khách hàng phải thiết kế cấu trúc nội dung trang web của mình hợp lý để các nội dung này sẽ được xuất hiện trong tìm kiếm của khách hàng. Trên thế giới xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet liên quan đến các chuyến đi và hoạt động du lịch ngày càng tăng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch… Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển ngành du lịch trong CMCN 4.0.

5. Xu hướng du lịch thực tế ảo

Thực tế ảo (Virtual Reality – VA) là một trong những xu hướng du lịch đột phá và mang lại lợi thế. Thông qua các chuyến tham quan thực tế ảo trực tuyến, khách hàng có thể trải nghiệm nội thất khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch ngoài trời từ nhà của họ. Dịch vụ này được thiết kế thông qua sử dụng website, chất lượng của chuyến tham quan thực tế ảo được cải thiện thông qua tai nghe thực tế ảo đi kèm.

6. Robot, chatbots và tự động hóa

Xu hướng du lịch này có thể kể đến là việc các khách sạn trang bị các robot có thể thực hiện một số nhiệm vụ lễ tân hoặc phục vụ đồ ăn, thức uống cho khách. Hơn thế, nhiều khách hàng còn có thể đặt các chuyến du lịch và chỗ nghỉ thông qua hỗ trợ của internet chatbots, trí tuệ nhân tạo,… chúng có thể hỗ trợ khách hàng khi nhân viên vắng mặt.

7. Thực tế tăng cường

Thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR)  mô phỏng toàn bộ môi trường và trải nghiệm, kết hợp thế giới thực và các yếu tố ảo. Một ví dụ quen thuộc là trò chơi Pokémon Go, trong đó các sinh vật tưởng tượng được xếp chồng lên theo thời gian thực trong không gian của người chơi. Trong ngành du lịch, ứng dụng này rất hữu ích, nó cho phép hiển thị các thông tin về khu vực khách du lịch đang khám phá, đó có thể là lịch sử về các tòa nhà và địa danh, hoặc danh sách thực đơn của các địa điểm giải trí và quán ăn. Các bảo tang cũng có thể sử dụng ứng dụng này nhằm giúp du khách trải nghiệm ngắm nhìn các đồ tạo tác với hình dáng ban đầu của chúng. Ngoài ra, công nghệ này có thể ứng dụng đối với sử dụng các bản đồ ảo.

Khách du lịch giơ camera lên và AR sẽ cung cấp ngay thông tin về những đối tượng trong ảnh để khách dễ dàng xử trí. Ảnh: towardsdatascience.com

8. Thay đổi từ khách hàng quốc tế sang khách hàng nội địa

Việc hạn chế đi lại đã làm cho ngành du lịch phải thay đổi, từ phục vụ nhóm khách hàng quốc tế chuyển sang khách hàng nội địa. Tuy không từ bỏ hoàn toàn nhóm khách quốc tế du lịch quốc tế, nhưng nó làm thay đổi chiến lược tiếp thị cốt lõi của doanh nghiệp. Đối với kinh doanh khách sạn, tốt nhất là khai thác kinh doanh như 1 địa điểm lý tưởng để làm việc từ xa. Các hãng hàng không và các công ty quản lý du lịch cũng chuyển sang ưu tiên khách du lịch trong nước. Thực tế, nhóm khách hàng nội địa cũng ít khi hủy bỏ các dịch vụ đã đăng ký do họ không muốn bị cách ly sau chuyến đi.

Đất nước ta vốn sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều điểm đến hấp dẫn. Với đường bờ biển trải dài hơn 3.620 km cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ, từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có thể bắt gặp những bãi biển đẹp. Vùng núi phía Bắc, với những nét hấp dẫn riêng từ ruộng bậc thang mùa lúa chín, mùa nước đổ, những rừng đào, mận, những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải vàng, cải tím, những đồi chè… Miền Trung không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, mà còn được biết đến với những nền văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn tại Quảng Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn… Phía Nam, không thể không nhắc đến miền Tây sông nước, miệt vườn với những đặc trưng văn hóa riêng được gìn giữ và lưu truyền từ thời sơ khai mở cõi… Riêng tỉnh Cà Mau với lợi thế đặc trưng 3 mặt giáp biển, đa dạng hệ sinh thái mặn, ngọt, quần thể sinh vật phong phú (rừng, biển, hải đảo,…) cùng với khu Dự trữ sinh quyển thể giới Ramsar; trải nghiệm tour xuyên rừng ngập mặn vùng bãi bồi độc đáo, ngắm mặt trời mọc và lặn ở cả hai hướng Đông, Tây,… Đây chính là dịp du lịch Cà Mau chuyển mình và phát huy các vẻ đẹp tiềm ẩn.

9. Du lịch một mình

Du lịch từng là việc các gia đình hoặc cặp đôi đi cùng nhau, nhưng ngày càng có nhiều người chọn cách đi tham quan 1 mình. Điều này không còn là kì lạ. Nhu cầu của khách du lịch một mình rất đa dạng, vài người đơn giản là không muốn bị người đi cùng quấy rầy, những người trẻ độc thân thì thích tham gia các hoạt động xã hội hoặc tìm bạn đời và người trung niên góa vợ/chồng thường lưu trú dài hạn tại khách sạn hoặc du lịch biển.

10. Du lịch sinh thái: Xu hướng du lịch được tạo ra bởi những mối quan tâm của khách hàng, thế hệ mới càng ý thức về các vấn đề về môi trường. Du lịch sinh thái là một minh chứng về sự quan tâm của du khách đối với các mô hình du lịch có trách nhiệm và bền vững. Du lịch sinh thái có thể chỉ đơn giản như việc đảm bảo sự sẵn có của tín chỉ carbon khi đặt chuyến bay hoặc tùy chọn thuê xe điện thay vì phương tiện giao thông đi lại thông thường, hay phức tạp hơn như lồng ghép yếu tố hoạt động tình nguyện, làm việc trong khu bảo tồn thiên nhiên,…

Du lịch sinh thái Mũi Cà Mau – Nguồn: Internet

11. Trải nghiệm văn hóa địa phương

Khách du lịch ngày nay muốn trải nghiệm văn hóa địa phương ở những điểm đến, từ việc thưởng thức ẩm thực địa phương đến tham gia các lễ hội. Ví dụ phổ biến về trải nghiệm văn hóa địa phương có thể kể đến là chuyến du lịch ghé thăm đất nước Nhật Bản vào dịp lễ hội. Du khách có thể thuê những bộ quần áo truyền thống của người Nhật, thưởng thức đặc sản, tham gia các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa. Hoặc du khách có thể trải nghiệm lưu trú với gia đình của người bản xứ để giao lưu, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, tập tục của địa phương.

12. Cá nhân hóa trải nghiệm du lịch

Một ví dụ về cá nhân hóa nôm na dễ hiểu là việc một người từng bắt gặp những quảng cáo liên quan đến những thứ mình đã xem hoặc mua trực tuyến trước đó. Để tiếp thị du lịch ngày càng hiệu quả hơn, cá nhân hóa có thể áp dụng để tăng sự trải nghiệm của khách hàng. Khách du lịch ngày nay mong muốn có những trải nghiệm du lịch gần gũi với sở thích cá nhân, từ điểm đến đến chỗ ở và các hoạt động dự kiến tham gia. Doanh nghiệp khai thác tốt điều này thì tỷ lệ khách hàng quay trở lại rất cao.

13. Thực phẩm hữu cơ lành mạnh

Trong suy nghĩ hầu hết mọi người việc đi du lịch đồng nghĩa với việc ăn uống thiếu lành mạnh. Ngày nay, khách du lịch luôn muốn thực phẩm ngon và lành mạnh trong suốt hành trình. Do đó, ẩm thực đặc sắc cùng với những lợi ích dinh dưỡng cũng đã tạo nên xu hướng mới của du lịch hiện nay. Thực phẩm hữu cơ theo đó cũng đã gây ảnh hưởng nhất định đến dịch vụ du lịch, thể hiện rõ nhất là ngày càng nhiều quán ăn và khách sạn phục vụ thực phẩm hữu cơ và một số chế độ ăn kiêng đặc biệt.

14. Trải nghiệm khách hàng

Trải nghiệm của khách hàng luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Với các công nghệ mới và các dịch vụ mở rộng, việc nâng cao trải nghiệm của khách du lịch chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Trải nghiệm khách hàng là thứ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển hoặc sụp đổ. Tăng sự trải nghiệm cho khách hàng giúp tạo ra lượng khách hàng trung thành. Do vậy, mọi thứ từ giao diện web nơi khách hàng bắt đầu sự trải nghiệm đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của chuyến đi cần phải là 1 hành trình đầy thú vị.

Theo đánh giá, tỉnh Cà Mau luôn chiếm vị thế cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực về tài nguyên biển, rừng, hệ sinh thái đa dạng, nguyên sơ, đứng trước những thách thức và xu hướng mới, việc định hướng đẩy mạnh phát triển ngành du lịch thông qua các chính sách kịp thời, đúng đắn sẽ giúp ngành du lịch tỉnh nhà tiến xa vượt bậc. Song song, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lữ hành cũng cần tự nâng cao năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi tất yếu của thị trường. Việc tạo các lực hút và lực đẩy đúng đắn, kịp thời cùng với sự hưởng ứng, đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương sẽ giúp biến các thách thức, nguy cơ trở thành cơ hội lớn đối với du lịch tỉnh nhà./.

Theo revfine.com

Xem thêm: Thổi hồn vào sản phẩm du lịch nông nghiệp để thu hút du khách

HUỲNH NHƯ iPEC lược dịch và tổng hợp

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC