Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Cà Mau ăn gì?
  • >
  • Văn hóa ẩm thực Khmer trong món ăn của người Cà Mau

Văn hóa ẩm thực Khmer trong món ăn của người Cà Mau

Theo phương diện ngôn ngữ học phân tích rằng địa danh Cà Mau bắt nguồn từ việc vùng đất này ngày xưa vốn là một vùng nước đen, lầy lội. Mà trong ngôn ngữ của người Khmer Tưk-Kha-Mâu có nghĩa là nước đen, dần dà dân địa phương gọi chệch đi là Cà Mau cho đến bây giờ. Chỉ đơn giản một tên gọi thôi cũng đủ để chứng minh sự xuất hiện của người Khmer trên vùng đất Cà Mau vốn từ rất lâu, độ khoảng thế kỷ XV – XVI.

Hiện nay người Khmer ở Cà Mau có khoảng hơn 40.000 nhân khẩu, cư trú chủ yếu ở các xã Trần Hợi, Khánh Bình Đông (Trần Văn Thời); xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc (Thới Bình) và phường 1 (TP Cà Mau). Người dân thường sống xung quanh các ngôi chùa để tiện lợi cho việc tập trung sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng tâm linh gắn liền với chùa.

Bún nước lèo – Món ăn mang đậm phong cách ẩm thực của người Khmer

Đời sống của người Khmer Cà Mau rất mộc mạc, sự hòa hợp với các tôn giáo khác cũng dễ dàng khiến cho họ xuất hiện hầu như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhiều người Khmer còn giữ chức vụ cao trong các cơ quan quản lý nhà nước, bệnh viện, trường học,… Có thể nói, sự xuất hiện của cộng đồng dân tộc Khmer đã trở thành một điều hiển nhiên, sự hòa hợp với người Hoa, người Kinh đã tạo nên sự gần gũi của cả một cộng đồng người trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sự pha trộn văn hóa thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, hình thành nên sự đa dạng trong các món ăn của người Cà Mau.

Người Khmer có thói quen tập trung tại chùa vào những ngày lễ hội, họ chuẩn bị và đem theo các loại thức ăn truyền thống đến chùa cúng phật và cùng nhau thưởng thức các món ăn một cách rất thâm tình. Sự hấp dẫn của các lễ hội của người Khmer đã thu hút nhiều người Kinh, người Hoa đến tham dự và đương nhiên là khách đến cũng được thưởng thức những món ăn truyền thống của họ. Dần dần các món ăn của người Khmer đã lan tỏa và ảnh hưởng ít nhiều trong khẩu vị của người Cà Mau.

Món mắm sống được ăn kèm với thịt luộc, chuối chát, khóm, gừng

Trong văn hóa ẩm thực của người Khmer cũng giống như người Kinh, họ rất trân quý hạt gạo. Gạo được sử dụng để làm lương thực chính cho các bữa ăn, ngoài ra họ còn dùng nếp để nấu xôi và chế biến thành các loại bánh khác nhau như cốp dẹp, bánh gừng, bánh tai yến, bánh lá dứa,… các loại bánh này đã xuất hiện như những món ăn vặt trên khắp đường phố, ngõ hẻm của Cà Mau.

Trong chế biến món ăn, người Khmer thường sử dụng nguyên liệu như xả, hành, tiêu, đường, ớt, nước cốt dừa. Đặc biệt người Khmer thường thích ăn ngọt nên sử dụng một ít đường trong các món ăn. Các nguyên liệu này cũng được sử dụng rộng rãi trong các món ăn của người Kinh như nước cốt dừa (lương um lá nhàu, bún cà ri, bánh canh ghẹ, các loại bánh ngọt như bánh bò, bánh lá, chuối vắt,… đều có sử dụng nguyên liệu là nước dừa); sả, ớt, hành (các món lươn kho sả ớt, cá thòi lòi nướng muối ớt, rắn hầm sả, gà hầm sả, giả cầy, bánh tầm cay,…). Các món ăn đều dậy lên mùi vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.

Nói đến nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào người Khmer thì không thể không nhắc tới món mắm prohoc truyền thống. Đây có thể nói là nguyên liệu cho mọi món ăn. Một món mắm prohoc thuần ban đầu là thành phẩm được chế biến từ các loài cá như cá linh, cá trắng, tép,… Để tạo nên hương vị riêng biệt và hấp dẫn cho món mắm prohoc người Khmer đã phải tiến hành một quá trình chế biến vô cùng cầu kì. Ban đầu là rửa sạch cá, tôm tép, đem chúng trộn cùng cơm nguội, muối theo một tỉ lệ thích hợp. Sau đó họ sẽ cho hỗn hợp này vào khạp, đậy kín nắp, phơi nắng từ 1 đến 3 tháng. Điểm đặc biệt nhất của loại mắm này là để càng lâu càng ngon và có thể trộn chung cùng mọi món ăn. Người Khmer sử dụng mắm hầu như trong tất cả các món ăn theo những cách chế biến khác nhau. Mắm cũng là một trong những món ăn phổ biến hiện nay của người Cà Mau. Ngày nay, người Cà Mau đã biến tấu các loại mắm đa dạng hơn như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm tép, mắm ba khía, mắm cá sơn, mắm cá phi,… Từ mắm, có thể chế biến thành nhiều món ăn như bún nước lèo, mắm chưng, mắm sống trộn chanh ớt, mắm chiên, lẩu mắm,… Các món ăn này hầu như trở thành thương hiệu đặc sắc của ẩm thực Cà Mau.

Người Khmer cũng đặc biệt thích ăn những loại rau quả có vị chua, đắng và chát kèm theo trong các món ăn. Họ thường ưa chuộng vị đắng của lá sầu đâu dùng để nấu canh, luộc hoặc trộn rỏi với khô cá lóc. Ngày nay một số loại quả có vị chua như khế, vị chát như chuối sống được xắt ăn kèm với mắm kho, mắm sống, thịt nướng, cá lóc nướng trui,… Một số loại rau có vị đắng như rau đắng biển, rau đắng đất được nhiều người ưa chuộng để nấu canh, nhúng lẩu, nhúng cháo.

Món canh chua cũng là một trong những món ăn khoái khẩu của người Cà Mau. Do sự ảnh hưởng phần nào của âm hưởng, mùi vị Khmer mà các món canh cua của người Cà Mau trở nên phong phú hơn với nhiều loại nguyên liệu khác nhau như  canh chua nấu bằng cơm mẻ, lá me non, trái me xanh kết hợp với các loại rau như trái chuối xiêm xanh, bắp chuối thái mỏng, cây chuối non, các loại rau mùi chứ không đơn thuần là giá, cà chua, khóm, bắp cải, đậu bắp,… như những món canh chua thông thường. Đặc biệt, Cà Mau vốn có nhiều loại cá tươi ngon như  cá kèo, cá vồ chó, cá nâu, cá chẽm,… và các loại cá đồng như cá lóc, cá rô, cá sặc, lươn rừng,… Làm cho món canh chua trở nên vô cùng hấp dẫn.

Nhìn chung, các món ăn của người Khmer vốn không cầu kỳ nhưng do sự kết hợp với phong cách nấu nướng của người Kinh, người Hoa mà các món ăn ngày nay có phần bắt mắt, hấp dẫn và lôi cuốn đối với người thưởng thức. Sự phong phú và đa dạng từ nguồn nguyên liệu đã làm cho các món ăn ở Cà Mau trở nên đặc sắc và đi vào lòng người. Mỗi khách du lịch khi đến Cà Mau đều rất hài lòng khi thưởng thức đặc sản của địa phương.

Xem thêm: Kỳ thú đặc sản trời ban ‘xuất thân’ từ cây cỏ dại

Dương Kim Chuyển(ipec.com.vn)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC