Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Bánh tầm Cà Mau – Hương vị “Mê người”

Trong hành trình xuôi về vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ Quốc, khách du lịch thường đặt cho mình những câu hỏi. Sẽ làm gì? Đi những nơi đâu? Ăn những món ăn nào? Thế nên có thể nói, xu hướng ăn các món ngon, ở những nơi đẹp và hòa mình vào với những hoạt động du lịch thú vị là tiêu chuẩn về một chuyến du lịch ý nghĩa của mỗi người khi họ đến với Cà Mau.

Dù bạn là ai, người Việt Nam hay người ngoại quốc, khi đã đến với Cà Mau rồi sẽ không thể nào quên việc thưởng thức các món ngon đặc trưng của vùng đất rừng biển này. Bên cạnh việc thưởng thức những món ăn ngon, đặc trưng như các món cua biển Cà Mau, ốc len xào dừa, bồn bồn xào tép, tôm hấp nước dừa, cá dứa kho tộ, mực trứng hấp,… thì có một món ăn ngon khác, vô cùng ấn tượng mà du khách chỉ nhìn qua từ những sổ tay, tập gấp, trang website giới thiệu về ẩm thực Cà Mau đã thấy thèm và mong muốn được ăn ngay. Đó chính là món bánh tầm.

Đây là một món ăn độc đáo mới lạ làm cho những vị khách đến Cà Mau liên tưởng đến những món ăn quê nhà. Với những người khách Tây thì món này hao hao giống Spa-ghet-ty (Mì Ý), người Hàn Quốc thì liên tưởng đến món mì Cha – chang, dân Xứ Quảng thì nhớ đến món Cao Lầu,… nhưng khi thưởng thức thì họ mới thật sự bất ngờ với hương vị độc đáo của bánh. Bánh tầm không pha lẫn mùi vị nào của những món ăn nói trên, có chăng là một mùi vị rất lạ, rất đặc biệt và rất Cà Mau.

Sở dĩ người Cà Mau gọi bánh là bánh tầm vì sợi bánh tròn tròn có đường kính tương đương với một con tầm, lớn hơn sợi bún và nhỏ hơn cọng ống hút một chút. Không biết người Cà Mau bắt đầu ăn món bánh tầm khi nào, cũng không ai biết nữa, nhưng ai cũng biết một điều là bánh này rất ngon và ăn rất bắt miệng.

Để có được hương vị hấp dẫn của một dĩa bánh tầm Cà Mau, đòi hỏi người chủ quán phải chuẩn bị hết sức công phu từ khâu nguyên liệu cho đến gia vị.

Đầu tiên phải kể đến là công đoạn làm những sợi bánh tầm. Ngày xưa, khi điều kiện về trang thiết bị máy móc chưa có, người dân Cà Mau chủ yếu là làm bánh tầm bằng phương pháp thủ công. Cách làm có phần vất vả và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mẩn của người đầu bếp. Người ta chọn ra loại gạo nếp ngon, cho vào cối xay ra thành bột, đem bột đó khuấy đều trên bếp lửa cho đến khi nào nào thành hồ, để hồ nguội dần và đem se thành sợi trên tấm thớt hoặc mâm lớn. Sau đó đem bánh đã se xong để trên một cái xửng và hấp nóng liu riu, khi nào ăn chỉ việc lấy ra. Thế là cho ra đời những sợi bánh trắng mịn chứa đựng biết bao nhiêu tâm huyết của người làm nên nó.

Tiếp theo là công đoạn làm nước sốt, xíu mại và gà dai. Không như những món ăn được chế biến từ cà ri, bánh tầm cay Cà Mau không sử dụng nước cốt dừa béo ngậy mà thay vào đó là nước dừa tươi thanh mát kết hợp với nước mía để làm nước dùng của nước sốt. Những thành phần khác được thêm vào là cà ri, ngũ vị hương, sốt cà chua, ớt đỏ luộc xay nhuyễn, hành tây, bột năn,… nhưng để có được hương vị “mê người” thì đó là bí quyết riêng, bí truyền của mỗi quán ăn. Xíu mại được nấu chung với nước sốt cũng cầu kì không kém. Mỗi một viên xíu mại như chứa đựng cả một trời ẩm thực, vị béo ngậy của thịt mỡ, thơm tho của hành, độ săn chắc của tôm, sừng sựt của củ sắn băm nhuyễn. Tất cả hòa quyện, bện chặt lại với nhau và được phủ bóng bởi một lớp nước sốt cà ri hơi ươm vàng vô cùng bắt mắt. Còn gà được chọn để nấu bánh tầm phải là gà dai, gà thả vườn tự nhiên, thịt chắc và thơm. Gà khi đã làm sạch được chặt ra nhiều phần cánh, đầu, giò, ức, đùi, phao câu,… đem luộc chín kỹ cho thịt mềm vừa đủ, khách đến muốn ăn phần nào là sẽ có ngay phần đó.

Một dĩa bánh tầm khi được dọn ra vô cùng bắt mắt bởi màu trắng mềm của bánh tầm; màu xanh của các loại xà lách, rau thơm, giá đỗ; màu vàng ươm phơn phớt đỏ của nước sốt cà ri cay nóng hôi hổi phủ lên trên mặt bánh cùng với miếng thịt gà tươi ngon hoặc viên xíu mại mọng thịt. Người ăn có thể kết hợp thêm với quẩy hoặc bánh mì và chấm kèm với muối tiêu chanh thì ngon nhất hạng.

Ngoài ra, người Cà Mau còn chế biến bánh tầm thành nhiều kiểu khác nhau như bánh tầm bì, bánh tầm tàu hủ ky, bánh tầm thịt nướng, bánh tầm khoai mì,… Mỗi loại đều có vị ngon đặc trưng và cuốn hút riêng.

Đến Cà Mau, khách du lịch có thể tìm ăn bánh tầm ở bất cứ nơi nào, từ những con hẻm bình dị đến những quán ăn sang trọng như bánh tầm cay hẻm Vĩnh Quang, A Si Giá hẻm cầu Cũ, Cô Huệ đường Lý Thường Kiệt, bánh tầm Đạo đường Bùi Thị Xuân,… Mặc dù, những quán hàng bánh tầm của Cà Mau nằm trong những con hẻm nhỏ hẹp nhưng vẫn không ngừng đông khách và được luôn được cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Khách đến ăn phải chịu đựng cái không gian chật chội của quán nhưng họ vẫn rất hài lòng vì được thưởng thức món bánh tầm Cà Mau thơm ngon đúng điệu.

Điều này có thể lý giải vì sao những ai đã từng nếm qua món bánh tầm Cà Mau, khi quay trở lại thì bằng mọi cách họ phải tìm thưởng thức cho bằng được. Chính cái ngon xuất phát từ những điều chân phương dung dị nhất mà người Cà Mau đã làm ra bánh, để rồi sau đó gieo vào lòng người một hương vị thật là khó quên. Đó chính là hương vị mặn mòi của một món ăn bình dị trên quê hương chứa đựng tinh hoa giữa rừng và biển.

Xem thêm: 20 đội thi Bánh dân gian Nam bộ với “Sắc màu Đất Phương Nam”

Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC