Trong hành trình khởi nghiệp, các nhà sáng lập start-up phải luôn sẵn sàng thích nghi với những biến động không ngừng của môi trường, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.
Trong Báo cáo Nhân tài Khởi nghiệp Đông Nam Á 2023, Quỹ đầu tư Monk’s Hill Ventures và Glints dự báo, năm nay, môi trường đầu tư vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt với các start-up đã bước vào giai đoạn gọi vốn sau vòng series A.
Đây là lúc các nhà sáng lập cần thực hiện nhiều biện pháp để chuyển mình thành một CEO trong “thời chiến”. Dưới đây là một số “bí kíp” cho các nhà sáng lập:
Tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của mình
Hành vi của người tiêu dùng có thể thay đổi đáng kể trong thời gian này, khi nguồn tài chính của họ đã bị giảm sút đáng kể. Với các nhà sáng lập, đây là lúc họ phải tiếp cận nhiều hơn với khách hàng để hiểu khách hàng thực sự cần gì. Muốn làm được như vậy, nhà sáng lập cần sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình để đảm bảo rằng, mọi thứ vẫn phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Một số nhà sáng lập tiết lộ, khi đóng vai là người dùng cuối, họ phát hiện ra những thách thức và cơ hội mới. Quan trọng hơn, hành động này giúp họ “cắt tỉa”, loại bỏ những yếu tố không cần thiết của sản phẩm, biến sản phẩm từ “được yêu thích” sang “ai cũng cần”.
Tăng tương tác với nhà đầu tư
Trong thời kỳ suy thoái, nhà đầu tư chính là những đối tác quý giá. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, nhà đầu tư có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích cho start-up.
Ông William Bean Bao, đồng sáng lập Quỹ đầu tư SOSV cho biết: “Là nhà đầu tư, chúng tôi coi trọng việc liên lạc thường xuyên, liên tục với các nhà sáng lập, ngay cả khi mọi thứ đang diễn ra không tốt. Với tư cách là quỹ đầu tư ở những giai đoạn đầu, chúng tôi tìm kiếm hai điều: một là, mô hình có thể mở rộng, triển vọng lợi nhuận tích cực và hai là, các nhà sáng lập duy trì giao tiếp theo cách nhất quán, trung thực và minh bạch”.
Củng cố tinh thần nhân sự
Trong giai đoạn ngân sách bị cắt giảm, đồng nghiệp bị sa thải và phúc lợi không còn dồi dào như cũ, nhiều nhân sự sẽ tự hỏi: “Tôi vẫn đang làm gì ở đây?”.
Giai đoạn này là lúc nhân viên cần người đứng đầu dẫn dắt về tinh thần để vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Hơn bao giờ hết, nhà sáng lập nên chú ý đến sức khỏe tinh thần của nhân viên và liên tục đánh giá xem họ còn gắn kết với tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp hay không. Một số vấn đề mà các CEO có thể cân nhắc như: ngoài việc sở hữu ESOP, nhân viên có được trao quyền để tự do phát triển không? Những thành viên trong ban lãnh đạo có kết nối với nhân viên không? Làm thế nào để tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc?…
Dành thời gian nghỉ ngơi
Trong giai đoạn khó khăn, nhiều nhà sáng lập sẽ không ngừng tự hỏi bản thân nên tiếp tục “chiến đấu” hay nghỉ ngơi đôi chút. Lúc này, một mặt, họ phải duy trì trạng thái thận trọng; mặt khác phải sẵn sàng đón nhận tất cả những thay đổi vĩ mô đang diễn ra xung quanh.
Vì vậy, dành thời gian để nghỉ ngơi là điều vô cùng quan trọng với bất kỳ nhà sáng lập nào. Điều này sẽ giúp họ tránh được tình trạng kiệt sức, duy trì trạng thái cân bằng, đồng thời có khoảng nghỉ để nghiên cứu xem, liệu có lựa chọn nào tốt hơn trong giai đoạn khó khăn này không.
Tóm lại, xây dựng công ty ở thời điểm hiện nay chắc chắn sẽ khó khăn hơn và nhà đầu tư cũng đặt ra nhiều kỳ vọng hơn so với trước đây. Đồng nghĩa, mỗi nhà sáng lập cần có trách nhiệm hơn, kỷ luật hơn và kiên cường hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, doanh nghiệp nào vượt qua được thời kỳ khó khăn “hậu đại dịch” đều sẽ vững vàng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Xem thêm: iPEC Talkshow – Kinh nghiệm quản trị và điều hành doanh nghiệp
Đức Thọ baodautu.vn thực hiện