Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Tin tức du lịch
  • >
  • Cà Mau –Chú trọng tập huấn đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thực tế trải nghiệm, học hỏi mô hình phát triển du lịch từ các địa phương Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng

Cà Mau –Chú trọng tập huấn đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thực tế trải nghiệm, học hỏi mô hình phát triển du lịch từ các địa phương Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng

Trong 4 ngày 12 và 15 tháng 06 năm 2020, Lớp Tập huấn “Xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp” của Cà Mau do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) tổ chức đã học hỏi, tiếp thu kiến thức về mô hình phát triển du lịch từ tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng dưới sự hướng dẫn của giảng viên, Thạc sĩ Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong quá trình học tập, các học viên (bao gồm cán bộ lãnh đạo tại các xã, khu, điểm du lịch; các hộ du lịch cộng đồng và người dân có định hướng về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau) đã được giảng viên truyền đạt những kiến thức quan trọng về du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tham quan trải nghiệm mô hình phát triển du lịch tại làng hoa Sa Đéc, du lịch Homstay hướng đến các đối tượng khách du lịch nước ngoài tại Mekong Rustic, Ricefeild Lodge (Phong Điền, Cần Thơ); du lịch trên mô hình vuông tôm tại Farmstay Sân Tiên (Cù lao Dung, Sóc Trắng), nghe chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch trực tiếp từ những người nông dân, cá nhân làm du lịch nổi bật tại các địa phương nêu trên.

Qua đó, phía địa phương đã chia sẻ cho lớp tập huấn những kiến thức và kinh nghiệm quý giá trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình du lịch tại các nơi.

Anh Trần Thanh Hùng – Chủ cơ sở Flower, Frog Homestay Hùng Trang chia sẻ “Mô hình phát triển du lịch trước hết là phải tạo sự khác biệt về các sản phẩm du lịch. Ngoài sự đầu tư về nguồn lực tài chính, cần có sự đầu tư về trí tuệ, bản thân mỗi người làm du lịch phải là một đặc sản của địa phương. Cần có sự xâu chuỗi các sản phẩm nhằm không chỉ thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và người dân cùng nhau được hưởng lợi.”

Homestay Maison Bamboo Phong Le Vent

Theo như anh Hùng, Đồng Tháp đã tạo nên sự gắn kết xâu chuỗi từ các sản phẩm du lịch. Tiêu biểu là tại Làng Hoa Sa Đéc, khi khách du lịch đến tham quan trải nghiệm phải trải qua một hệ thống sản phẩm du lịch được thiết kế như: Đi xe điện vào tham quan làng hoa, vào cồng làng hoa, tham quan Happy Land Hùng Thy, Cánh đồng Hoa Hồng, Vườn cây Chà Là,… Trên tất cả là sự gắn kết giữa các điểm đến và người đứng là làm đầu mối cho mọi sự kết nối là Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” của Đồng Tháp.

Mô hình Hội quán tại Đồng Tháp là một đơn vị được thành lập dựa trên 3 nguyên tắc: Tự thành lập, tự trang trải, tự quản và nhận được sự ủng hộ cúa chính quyền và lãnh đạo của các cấp địa phương.  Các thành viên trong Hội quán cùng chung mục đích, trao đổi ý tưởng, bảo vệ lẫn nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung của du lịch địa phương, tất cả mọi người đều được hưởng lợi.

Anh Phong chủ cơ sở tại Homestay Maison en Bambou Phong-Le Vent (Nhà Tre) tại Sa Đéc chia sẻ: “Chúng tôi phát triển mô hình du lịch hướng đến nhiều đối tượng, khách du lịch nước ngoài, các đoàn khách sinh viên nước ngoài, khách du lịch Việt Nam từ các địa phương. Khách đến tự nấu ăn, tự trải nghiệm, tự thu hoạch rau củ từ các nhà vườn bên cạnh và đi tham quan trải nghiệm khắp làng hoa. Như vậy tất cả mọi người cùng nhau được hưởng lợi”

Cà Mau –Chú trọng tập huấn đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thực tế trải nghiệm, học hỏi mô hình phát triển du lịch từ các địa phương Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng

Lớp tập huấn học hỏi kinh nghiệm tại Flower, Frog Homestay

Tại Phong Điền (Cần Thơ), các học viên đã được Ông Năm – chủ cơ sở Mekong Rustic chia sẻ quá trình phát triển của một điểm du lịch nhà vườn và dần dần hướng đến các đối tượng khách du lịch nghỉ dưỡng và khách du lịch nước ngoài. Theo ông Năm – yếu tố tạo nên sự thành công của một mô hình du lịch phần nhiều dựa vào sự quyết tâm và yêu nghề của chủ cơ sở.

Homestay Mekong Rustic (Phong Điền, Cần Thơ)

Ricefeild Lodge (Phong Điền, Cần Thơ)

Điều đặc sắc tại chuyến học tập tại Cần Thơ là các học viên được ghé thăm và học tập tại Ricefeild Lodge của Mr Martin (quốc tịch Đức), người đã mạnh dạng rời bỏ quê hương và đến với vùng đất Cần Thơ trù phú để theo đuổi đam mê được hòa quyện và gắn bó với sông nước miền Tây.

Ông Martin (Quốc tịch Đức) đang chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch tại Lodge

Mặc dù, ở cách xa Trung tâm thành phố Cần Thơ gần 30km nhưng địa điểm ông Martin lựa chọn vẫn thu hút nhiều đối tượng khách Tây, họ đến trải nghiệm những giây phút yên ả thanh bình giữa những bungalow độc đáo và hấp dẫn theo kiểu lá tre của miền Tây. Theo chia sẻ ông Martin cho biết, ông chú trọng nhiều đến chất lượng phục vụ khách của mình hơn là số lượng và ông đạt được kết quả hơn cả sự mong đợi.

Đến với Cù lao Dung (Sóc Trăng) các học viên được học tập mô hình phát triển du lịch trên vuông tôm ở Farstay Sân Tiên bên cạnh việc thám hiểm hệ thống rừng bần ngập mặn của địa phương. Về nguồn tài nguyên, giao thông và vị thế với phát triển du lịch hộ du lịch của anh Cần (chủ cơ sở Farmstay Sân Tiên) không thể sánh với Cà Mau nhưng hiệu quả thì thật bất ngờ, trong 3 tháng đầu tiên anh đã thu về bình quân mỗi tháng 150 triệu đồng. Yếu tố làm nên sự thành công của anh Cần là anh biết xây dựng và tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên nguồn lực sẵn có, chủ động hướng dẫn và sắp xếp cho khách tham quan trải nghiệm, nhiệt tình thân thiện và mến khách, tận dụng sự lan tỏa của các trang mạng xã hội để quảng bá điểm đến.

Farmstay Sân Tiên (Cù lao Dung, Sóc Trăng)

Sau 4 ngày học tập, từ mô hình phát triển du lịch hiện tại của Đồng Tháp, Cần Thơ, sóc Trăng Cà Mau có thể rút ra được vấn đề quan trọng trong phát triển du lịch ngoài tài nguyên du lịch sẵn có, yếu tố từ nguồn lực con người cũng vô cùng quan trọng.

Cà Mau hiện tại có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt với vị trí địa lý đặc biệt đã thu hút nhiều đối tượng khách du lịch đến với địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm của du lịch Cà Mau đa phần còn trùng lắp, chưa có sự khác biệt, các hộ du lịch cộng đồng tại Đất Mũi mang tính chất sao chép lẫn nhau. Hiện tại chưa có sự liên kết mạnh mẽ trong phát triển du lịch giữa các điểm đến.

Hy vọng sau chuyến tập huấn địa phương sẽ có sự định hướng hiệu quả và thành công, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.

Xem thêm: Những điều thú vị khi đến với du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC