Ngày 27/01/2022, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau họp, thống nhất phân hạng 3 sao đối với 26 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể thuộc 07 trong số 09 huyện và thành phố Cà Mau đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2 năm 2021.
Dự và chủ trì cuộc họp có ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau (Hội đồng), ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng, thành viên Tổ Tư vấn, giúp việc Hội đồng cùng với sự tham gia trực tuyến của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP các huyện, thành phố và các chủ thể đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt này.
Đợt này, có 26 sản phẩm đề nghị đánh giá, phân hạng. Trong đó, huyện Thới Bình có 01 sản phẩm của 01 chủ thể, huyện Cái Nước có 06 sản phẩm của 02 chủ thể, huyện Năm Căn có 02 sản phẩm của 01 chủ thể, huyện Trần Văn Thời có 02 sản phẩm của 02 chủ thể, huyện U Minh có 02 sản phẩm của 02 chủ thể, huyện Đầm Dơi có 08 sản phẩm của 04 chủ thể và thành phố Cà Mau có 05 sản phẩm của 02 chủ thể tham gia.
Mặc dù năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, sự chủ động vượt khó của các ngành, các cấp và các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình, Trong năm 2021, tỉnh Cà Mau có 44 sản phẩm được công nhận trong 02 đợt đánh giá, phân hạng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 77 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3-4 sao.
Theo đánh giá của ông Lê Văn Sử – Chủ tịch Hội đồng, các sản phẩm đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh Cà Mau đều là những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, có nhiều khả năng phát triển, liên kết để mở rộng quy mô. Vì vậy, ông đề nghị các chủ thể có sản phẩm được phân hạng từ 3 sao trở lên phải chủ động xây dựng Kế hoạch nâng hạng sản. Dựa vào phiếu đánh giá, nhận xét, chấm điểm của các chuyên gia, các chủ thể xây dựng lộ trình hoàn thiện, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để nâng cao hình ảnh sản phẩm; cải thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm để nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm; tăng cường đẩy mạnh hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và đời sông của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục hỗ trợ các địa phương nghiên cứu các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; hướng dẫn chủ thể tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình. Đồng thời, chỉ đạo các ngành cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý ở cơ sở, đặc biệt là nâng cao năng lực mạng lưới tư vấn OCOP để hỗ trợ các địa phương, chủ thể triển khai hiệu quả chương trình; nâng cao năng lực về mọi mặt cho của các chủ thể từ khâu thiết kế, trình bày bao bì mẫu mã sản phẩm; bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; mở rộng quy mô sản xuất; mở rộng vùng nguyên liệu; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử,…
Đức Xinh iPEC thực hiện