Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Cà Mau – điểm đến giàu tiềm năng

Cà Mau còn nhiều dư địa để phát triển, trở thành địa phương trọng điểm kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư.

Cà Mau – điểm đến giàu tiềm năng

Chủ động phòng chống dịch, thích ứng an toàn

Từ cuối tháng 4/2021, Covid-19 bùng phát mạnh trên diện rộng, các ca nhiễm xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tác động đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Trước diễn biến của dịch bệnh và việc người lao động từ các vùng dịch trở về địa phương với số lượng lớn, UBND tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng kịch bản và các biện pháp phù hợp để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đôn đốc các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đề cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau đang trên đà phục hồi, phát triển và đã hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Ước tính cả năm 2021, GRDP (theo giá so sánh) của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 41.688 tỷ đồng, tăng 0,92% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 54,3 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 18.873 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 1 tỷ USD, bằng 90,9% kế hoạch.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong phòng, chống dịch thời gian tới được tỉnh Cà Mau đặt ra là: tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để phục hồi sản xuất – kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp…; chủ động ứng phó với Covid-19, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn…

Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện thay đổi cách thức tổ chức xét nghiệm, cách ly và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp diễn biến thực tế; giám sát chặt chẽ và nhanh chóng xử lý các ổ dịch mới phát sinh; đẩy nhanh và hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, triển khai tiêm mũi tăng cường và thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định; bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong ảnh: Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau

Điểm sáng phát triển kinh tế

Dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế, nhưng trong khó khăn, nền kinh tế Cà Mau đã xuất hiện nhiều điểm sáng.

Tỉnh đã phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi… Diện tích, sản lượng nuôi tôm siêu thâm canh năm 2021 đạt 3.600 ha, tăng 22,8% so với năm 2020; năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, phát triển nuôi hàu, sò huyết ven biển, trên bãi bồi; nuôi cá bớp lồng bè ven đảo. Ước tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 383.700 tấn, tăng 8,1% so với năm 2020. Sản xuất tôm giống có bước đột phá về quy mô, sản xuất tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng tôm giống…

Lĩnh vực chế biến tôm và sản xuất phân bón là điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh Cà Mau. Các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất phù hợp và đạt được những kết quả khả quan. Sản lượng chế biến tôm ước đạt 152.000 tấn, tăng 3,1% so với năm 2020; sản lượng đạm, NPK đạt 950.000 tấn, tăng 1,7% so với năm 2020.

Bên cạnh lĩnh vực thủy sản, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công suất  được phê duyệt quy hoạch lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, khai thác.

Về điện gió, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án với tổng công suất 700 MW đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện (10 dự án đã khởi công); 200 MW đang được xem xét cấp chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương bổ sung 19 hồ sơ dự án vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 6.518 MW và 1 dự án với công suất 200 MW đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công thương.

Về năng lượng mặt trời, có 8 dự án (tổng công suất 2.446 MW) đang được trình bổ sung Quy hoạch và 1 dự án (400 MW) được UBND tỉnh cho tiếp cận nghiên cứu. Ngoài ra, có 1.223 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 106.192 kWp, sử dụng công tơ 2 chiều để hòa lưới điện quốc gia.

Về điện khí LNG, có 4 dự án với tổng công suất 10.700 MW đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch. Về điện sinh khối, có 1 dự án (24 MW) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và 1 dự án (24 MW) đang đề xuất chủ trương đầu tư.

Do Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn, từ đó ảnh hưởng tiến độ vận hành thương mại và tiến độ cung cấp turbine. Tuy nhiên, với nỗ lực cao, tính đến ngày 31/10/2021, Cà Mau đã vận hành thương mại 3 dự án với tổng công suất 100 MW và đang khẩn trương hoàn thành các dự án còn lại.

Đặc biệt, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và đi vào thực hiện, như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA… để đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Do Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn hàng sản xuất, quá trình vận chuyển, lưu thông và làm gia tăng chi phí, nên hoạt động xuất khẩu cũng gặp khó khăn nhất định.

Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Dịch bệnh làm bộc lộ nhiều điểm yếu của nền kinh tế, đòi hỏi cần khắc phục kịp thời. Để phát huy hơn nữa tiềm năng, khai thác hiệu quả lợi thế của vùng Đất mũi, thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới, Cà Mau tiếp tục tập trung thực hiện linh hoạt, an toàn và hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, thu hút đầu tư. Cụ thể là: triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, trọng tâm là công tác quy hoạch tỉnh và vùng.

Theo đó, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới, trong đó xác định rõ quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch (điều chỉnh) 3 đô thị động lực của tỉnh là: TP. Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đang là yêu cầu bức thiết, vì vậy, Cà Mau sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022;  rà soát tình hình thực hiện các dự án, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thực hiện, bảo đảm tính tuân thủ các quy định và hiệu quả đầu tư công; sớm khởi công các dự án, công trình trọng điểm.

Để tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2021 – 2025. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quá trình theo dõi, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu về đầu tư, giải ngân.

Với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng và tạo đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; tăng cường quản lý các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, lựa chọn các dự án đảm bảo hiệu quả…

Đặc biệt, về hạ tầng giao thông, Cà Mau sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành sớm triển khai các dự án trọng điểm, như cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; tuyến ven biển; tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau. Đồng thời, tập trung đầu tư các dự án xây dựng cầu, đường quan trọng, kết nối vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị trung tâm, đô thị ven biển, các khu, điểm du lịch của tỉnh như: cầu Sông Đốc, cầu Gành Hào, tuyến đường trục Đông – Tây và tuyến đường kết nối khu vực Đầm Thị Tường…

Xem thêm: Nắng reo trên cây đước non xanh

Huy Tự baodautu.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC