Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Chụp đìa – nét văn hóa đặc thù của Cà Mau

Chụp đìa bắt cá là một hoạt động rất thú vị, là phương thức đánh bắt sáng tạo của người dân Cà Mau mà không phải đâu cũng có.

Chụp đìa

Nằm trong chuỗi sự kiện “Hương rừng Cà Mau”, chụp đìa thu hoạch cá đồng phục vụ khách tham qua lần đầu tiên được tái hiện ở miệt rừng thuộc Vườn quốc gia U Minh hạ. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2021” và chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu đại biểu HĐND các cấp…

Chụp đìa (đìa còn gọi cái ao, độ sâu khoảng 02 mét, ngang từ 05 mét – 07 mét, dài tùy thuộc vào đất lớn hay nhỏ,…) là một trong những phương pháp thu hoạch cá đồng truyền thống và rất phổ biến của nông dân Cà Mau.

Anh Nguyễn Hữu Duyên (46 tuổi, ngụ tại ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, theo cha (ông Nguyễn Thành Trung) làm nghề chụp đìa từ lúc 17 tuổi tới nay, anh Duyên, cho biết: Vào khoảng tháng 12 âm lịch hàng năm, trước khi chụp đìa khoảng 01 ngày, đìa phải được rào kín các họng đìa để khi động cá không nhảy ra ngoài. Đồng thời, dọn sạch cỏ rác, nhổ chà để chuẩn bị xuống giàn lưới chỉ (ni lông). Rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước, sau đó từ từ hạ tấm lưới xuống đáy ao, rồi dùng những cây tre nhỏ hay cây sậy, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới.

Thời gian này “thợ đìa”, trò chuyện hút thuốc,… khoảng hơn 02 tiếng đồng hồ, cá chui hết lên trên, nằm gọn trên mặt lưới, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai dày và sâu hơn để không cho cá chui ngược trở xuống. Tiếp đến là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi kéo lưới gom cá về một đầu đìa dùng vợt để xúc cá lên.

Vùng đất U Minh Hạ được xem là nơi trù phú, thiên nhiên ban tặng nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thời khai hoang mở đất, cư dân tứ xứ đến đây sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác cá đồng. Đặc biệt, người dân thu hoạch cá bằng nhiều cách như tát đìa, mò cá,… nhưng chụp đìa được xem là cách sáng tạo và độc đáo nhất.

Ông Lữ Văn Lòng (62 tuổi, ngụ tại ấp Đường Cày, xã Phú Tân, cho biết: Vào khoảng thập niên 1980, hầu như làng xóm, gia đình nào cũng có đìa. Nó như một nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước Cà Mau này.

Dẫn kết

Thông qua Chương trình sự kiện “Hương rừng U Minh” nhằm giúp khách tham quan trải nghiệm và khám phá những sản vật phong phú đa dạng về tiềm năng và lợi thế của huyện U Minh trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ, thương mại, thu hút đầu tư du lịch,… khơi dậy và phát triển những nét văn hoá, du lịch đặc trưng về con người và vùng đất U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.

Xem thêm: Ai cũng thèm thuồng khi nhắc tới món này

Nguồn: Truyền hình Pháp luật

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC