Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Chuyên gia nước ngoài đánh giá cao mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau

Trong hai ngày 27 và 28/7, Đoàn chuyên gia và nhà mua tham dự Hội nghị thượng đỉnh ngành tôm (Shrimp Summit) có chuyến khảo tại một số địa phương, doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản; tham dự buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia: Bangladesh, Bỉ, Anh, Trung Quốc, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mozambique, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu chào mừng tại hội nghị.

Trong chuyến khảo sát, tỉnh Cà Mau sắp xếp để đoàn tham quan Khu phức hợp công nghệ cao của Công ty Việt Úc tại huyện Ngọc Hiển; tham quan vùng nuôi tôm rừng có chứng nhận tại huyện Ngọc Hiển của Công ty TNHH xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú. Đoàn cũng tham quan hộ nuôi tôm của anh Ung Văn Điền (ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).

Công ty TNHH xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú và hộ anh Điền đã thuyết minh, giới thiệu về mô hình, lịch sử hình thành vùng đất, đặc điểm tự nhiên, tập quán canh tác…

Sau đó, đoàn đã đến tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) và tham gia hoạt động trồng rừng, trải nghiệm tour du lịch xuyên rừng mang đậm dấu ấn vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử gửi lời cảm ơn và trân trọng sự quan tâm của Ban Tổ chức, quý đại biểu đã dành tình cảm, thời gian, đi quãng đường xa đến với vùng đất Cà Mau. Ông Sử hy vọng, các hoạt động trải nghiệm trong hai ngày đã giúp các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ngành tôm năm 2023 hiểu được vùng đất, con người và sản vật của Cà Mau.

Đoàn tham gia hoạt động trồng rừng tại Khu du lịch Mũi Cà Mau.

Theo ông Sử, mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, Cà Mau quyết tâm xây dựng các vùng nuôi tôm theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Tỉnh mong muốn liên kết chặt chẽ với các cộng đồng doanh nghiệp liên quan xây dựng liên kết chuỗi ngành tôm từ cung ứng đầu vào đến phân phối sản phẩm đầu ra.

“Thông qua chuyến tham quan, khảo sát và thảo luận tại hội nghị, quý vị đã phần nào thấu hiểu những khó khăn, thách thức chúng tôi đang đối mặt; hiểu được quy trình sản xuất sản phẩm tôm của chúng tôi hiện nay và định hướng trong tương lai. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ có những quyết định quan trọng trong hợp tác sản xuất, kinh doanh của mình”, ông Sử nói, đồng thời mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ là cầu nối, giới thiệu vùng đất, con người, doanh nghiệp, sản phẩm của Cà Mau đến với bạn bè, người thân và đối tác trong thời gian tới.

Tham quan Khu phức hợp công nghệ cao của Công ty Việt Úc tại huyện Ngọc Hiển.

Tiến sĩ George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm thuỷ sản có trách nhiệm (Hoa Kỳ), thành viên trong đoàn chia sẻ, bản thân cảm thấy rất thú vị khi được nghe các nhà sản xuất của Cà Mau nói về sản phẩm ngành tôm.

“Chúng tôi thấy rằng đây là lúc chúng ta phải hợp tác cùng nhau, đưa ra những hành động cụ thể và cải thiện những điều còn hạn chế”, ông George Chamberlain nói.

Theo lời ông George Chamberlain, tiềm năng thị trường của Cà Mau để phát triển con tôm rất lớn. Cà Mau đang có hệ thống hóa nuôi và chế biến tôm rất chặt chẽ. Ông cũng đánh giá, Cà Mau đang rất nghiêm túc với kiểu nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, ít tác động môi trường. Với hình thức này, con tôm có giá trị cao, mẫu mã đẹp hơn, đó là những giá trị lớn mà mô hình mang lại xã hội.

Sau hội nghị, các doanh nghiệp đã có buổi làm việc, thảo luận riêng để tìm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Xem thêm: Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình ‘Mỗi xã một sản phẩm’ (OCOP) tỉnh Cà Mau

Tân Lộc tienphong.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC