Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Công bố Đề án Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi

Chiều ngày 22/4, huyện Ngọc Hiển tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030″.

Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi là một phần thuộc khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách TP Cà Mau khoảng 120 km. Khu làng này là nơi tập trung nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, cũng là nơi tái hiện lại đời sống sinh hoạt của bà con Đất Mũi. Làng được hình thành trong một khu rừng ngập mặn bao quanh, thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – Khu sinh dự trữ sinh quyển thế giới.

Một góc Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi.

Trong những năm qua, cùng với việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, huyện Ngọc Hiển đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh, huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ.

Các di tích được đầu tư trùng tu, nâng cấp. Cảnh quan, môi trường có nhiều đổi mới; môi trường du lịch được quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển cơ sở vật chất tại các khu du lịch như xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, hệ thống hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ khác…

Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm các tuyến xuyên rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau… Các sản phẩm quà tặng lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của Đất Mũi từng bước tạo được sự hấp dẫn và thu hút đối với du khách. Hoạt động lữ hành được kết nối thông suốt, đảm bảo các tuor vận chuyển khách từ các địa phương trong và ngoài nước về các khu du lịch trên địa bàn huyện tham quan, trải nghiệm, khám phá.

Các sản phẩm quà tặng lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của Đất Mũi từng bước tạo được sự hấp dẫn và thu hút đối với du khách.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tiết Minh Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, nhấn mạnh: “Đề án Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi được phê duyệt và triển khai là bước chuyển hướng có tính đột phá để phát triển ngành du lịch tại địa phương; gắn phát triển du lịch với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng đến du khách. Bên cạnh đó, dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần cho người dân; tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần phục hồi, phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Việc xây dựng Làng Văn hóa du lịch còn tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các dân tộc và các nước trên thế giới”.

Ông Đặng Thái Nguyên, Phó giám đốc Sở Xây dựng, trao Quyết định của UBND tỉnh cho Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi.
Ông Đặng Thái Nguyên, Phó giám đốc Sở Xây dựng, trao Quyết định của UBND tỉnh cho Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi.

Cũng theo ông Thành, để triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hoá du lịch Đất Mũi, cần khẩn trương thành lập Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch để đảm bảo đi vào hoạt động hiệu quả; ban hành quy chế hoạt động, xây dựng nội dung, tiêu chí về Làng Văn hoá du lịch. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông trong Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nội dung trọng tâm của Đề án, kịp thời thông tin về quyền lợi của người dân khi tham gia làm du lịch để thu hút người dân đăng ký tham gia.

Trước mắt là triển khai quy hoạch, định hướng không gian, cảnh quan xung quanh Làng Văn hoá Du lịch; khảo sát, xây dựng phương án và đề xuất nhu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng đường bộ đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện cho du khách. Tăng cường huy động thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch trên cơ sở quy hoạch và các cơ chế chính sách quy định; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ phát triển du lịch.

Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; xây dựng các mô hình hoạt động du lịch gắn với sản xuất chủ lực của địa phương. Phát triển làng nghề thủ công truyền thống, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách, vừa nhằm bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của địa phương, vừa đảm bảo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân…

Người dân quyết tâm chung tay làm du lịch để phát triển Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi. Ảnh: Trải nghiệm bắt cua trong khu du lịch Tư Nhuần, tại Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi.

Phấn khởi khi đề án Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi được phê duyệt, ông Nguyễn Văn Nhuần (Tư Nhuần), đại diện hộ dân làm du lịch, thể hiện sự quyết tâm, chung tay tham gia. Theo ông, để xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi ngày càng phát triển, cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu về con người và vùng đất Mũi Cà Mau; giới thiệu về những hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là những sản phẩm đặc trưng trong Làng Văn hóa Du lịch. Đồng thời đề xuất Ban Quản lý hàng năm có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành huyện để tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; tổ chức các đợt đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch cho người dân làm du lịch có thêm hiểu biết về các kỹ năng, kinh nghiệm để tham gia hoạt động du lịch./.

Xem thêm: Cà Mau đăng ký kỷ lục: Tổ ong lớn nhất Việt Nam và lẩu mắm lớn nhất Việt Nam

Huỳnh Lâm

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC