Trong bối cảnh du khách – đặc biệt là giới trẻ có xu hướng khuyếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm du lịch, doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch buộc phải dùng tới công nghệ và cần hướng tới những ứng dụng, tương tác hiệu quả giữa thế giới thực và thế giới ảo…
Vai trò của công nghệ
Tại hội thảo “Chuyển đổi số ngành du lịch – xu hướng và giải pháp” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức mới đây, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, công nghệ đang là chìa khóa để giải tất cả các bài toán trong kinh doanh và du lịch; là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp liên quan đến rất nhiều ngành khác với sự tham gia của nhiều đối tác.
Với tính năng vượt trội của công nghệ, những tiện ích mới và phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ làm cho giao dịch, tương tác trong hoạt động du lịch trở nên hiệu quả, tạo ra bứt phá trong hoạt động kinh doanh ngành này.
Đứng trước vận hội mới và những thách thức, các DN du lịch và công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số cần nắm bắt được các xu hướng du lịch để có giải pháp thích ứng, có những ý tưởng tiên phong, mang đến sản phẩm du lịch số đáp ứng nhu cầu khách hàng.
4 xu hướng du lịch đang nổi lên hiện nay gồm: du lịch thông minh; sự tham gia chủ động của khách hàng; sự liên minh, liên kết trong kinh tế chia sẻ giữa các DN, các nhà cung cấp sản phẩm du lịch; xu hướng khuyếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm du lịch của khách hàng.
Với xu hướng khuyếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm du lịch của khách hàng, có thể thấy, một trong những nhu cầu tự nhiên của con người khi đi du lịch với mong muốn, trải nghiệm độc đáo và vượt trội so với trải nghiệm thực tế. Trong điều kiện thực tại có thể không đạt được nhưng thông qua công nghệ, khách hàng có thể đạt được cảm xúc mong muốn. Xu hướng này đang thu hút mạnh mẽ giới trẻ để tạo ra cảm xúc vượt trội.
“Chỉ có công nghệ mới làm được điều này. Và những công nghệ xây dựng trên nền tảng số tạo điều kiện cho những ước mơ của du khách trở thành hiện thực. Tất cả những trải nghiệm thực tế bằng hình thức ảo này chỉ có thể thông qua công nghệ và chuyển đổi số. Điều này cần hướng tới những ứng dụng, tương tác hiệu quả giữa thế giới thực, thế giới ảo, sự mô phỏng và làm thế nào để giải bài toán giữa nhà phát triển, nhà thiết kế công nghệ trong du lịch… là thực sự cần thiết”, ông Siêu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Thủy – Tổng Giám đốc Khách sạn Silk Path Hanoi, Giám đốc Kinh doanh Silk Path Hotels & Resorts cho rằng, công nghệ là điều cực kỳ cần thiết để khuyếch đại cảm xúc của du khách. Chỉ có công nghệ mới thực hiện được điều này.
Theo số liệu khảo sát của Google, có gần 39 nghìn điểm chạm đối với mỗi du khách tiếp xúc trong 60 ngày, bình quân là 9 nghìn điểm chạm vô tình khách gặp phải trong 60 ngày.
“Trong số 39 nghìn điểm chạm bất ngờ đó, có bao nhiêu điểm chạm khiến du khách có cảm hứng mua và trải nghiệm? Khảo sát cho thấy, 19% khách hàng quyết định trải nghiệm, 30% bị khích lệ bởi những hình ảnh mà công ty quảng cáo”, bà Thủy cho biết.
Do vậy để khuyếch đại cảm xúc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, không có gì bằng những tương tác và điểm chạm để gắn kết hoặc chạm đến cảm xúc của khách hàng. Không ít khách hàng có kiểu mua theo cảm hứng.
Đầu tư đi kèm chủ động sáng tạo
Ông Hà Văn Siêu cho biết, để hướng tới phát triển du lịch ngày càng xứng tầm thời đại, đặc biệt sau COVID-19, Chính phủ đã xây dựng đề án chuyển đổi số ngành du lịch. Theo đó, hướng tới việc hình thành trục liên thông quản lý giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia cũng như hình thành sàn giao dịch điện tử kết nối các doanh nghiệp với dịch vụ và khách du lịch.
“Hi vọng 3 trụ cột này hi vọng trong đề án chuyển đổi số ngành du lịch là nền tảng, là khung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch và công nghệ phối hợp với nhau để tác nghiệp trên hệ thống nền tảng đó.
Đứng trước vận hội mới và những thác thức mới, các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số cần nắm bắt được các xu hướng du lịch để có giải pháp thích ứng, những ý tưởng tiên phong. Từ đó mang đến sản phẩm du lịch số thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các doanh nghiệp cần chủ động sáng tạo, quan tâm đầu tư thực sự cho hoạt động chuyển đổi số. Người đứng đầu doanh nghiệp phải coi du lịch số là chìa khóa để cạnh tranh, hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.
“Tôi tin rằng, với nhiều tiềm năng về phát triển du lịch Việt Nam cùng với những sáng tạo và khát vọng phát triển không ngừng đổi mới của doanh nghiệp, cũng như chính sách hỗ trợ tạo điều kiện của Nhà nước công cuộc chuyển đổi số của ngành du lịch sẽ đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó sẽ tác động lan tỏa sang nhiều ngành, lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội. Từ đó, tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển bền vững lên tầm cao mới”, ông Siêu nói.
Xem thêm: Du lịch quy mô nhỏ, bền vững sẽ là xu hướng hậu đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Á
Thu An doanhnghiepvn.vn thực hiện