Bộ GD&ĐT vừa công bố tốp 20 dự án khối học sinh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021.
Học sinh Trường THCS Thanh Xuân với đề tài nghiên cứu.
Trong đó có nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao, được nảy sinh từ những yêu cầu cấp thiết trong cuộc sống.
Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao
Lần đầu tham gia một sân chơi vốn chỉ dành cho sinh viên và học sinh THPT, nhóm học sinh Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xuất sắc được lựa chọn tham gia vòng chung kết cấp quốc gia Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021.
Hoàng Hạnh Châu – học sinh lớp 9A1 Trường THCS Thanh Xuân – cho biết: Dự án khởi nghiệp có tên gọi “Sản xuất nước súc miệng Nano Green để phòng chống bệnh răng miệng học đường”. Sản phẩm là nước súc miệng chứa nano bạc được tổng hợp từ những thành phần tự nhiên thân thiện môi trường.
Nước súc miệng nano bạc có tác dụng bảo vệ răng, lợi ở lứa tuổi học đường. Sản phẩm được tổng hợp từ các thành phần tự nhiên, không để lại tồn dư hóa chất trong sản phẩm, không thải độc chất ra môi trường trong quá trình sản xuất, dễ sử dụng, tuyệt đối an toàn không gây tác dụng phụ. Đặc biệt, do được tổng hợp tại chỗ, không có yêu cầu cao về máy móc, thiết bị nên giá thành rẻ.
Cũng là sản phẩm của học sinh THCS được lựa chọn vào vòng chung kết Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021, dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe” của nhóm học sinh Trường THCS Tiền An (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được Ban giám khảo đánh giá cao bởi những sáng tạo bất ngờ của các nhà khoa học “nhí”.
Phạm Hoàng Phú – học sinh lớp 9A1, Trường THCS Tiền An – chia sẻ: Dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe” là thành quả của nhóm học sinh yêu thích chế tạo cùng sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong nhà trường. Thiết bị được chế tạo có khả năng đo các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt và chỉ số oxy máu.
Thiết bị dễ sử dụng, kết nối với phần mềm Thingspeak giúp người thân trong gia đình có thể theo dõi sức khỏe của người già, trẻ nhỏ thông qua App điện thoại. Thiết bị còn đo được chỉ số sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 từ xa, qua đó có những biện pháp xử trí kịp thời giúp quản lý, điều trị bệnh nhân tại nhà một cách hiệu quả. “Chúng em hy vọng sản phẩm sẽ được nâng cấp thành sản phẩm thương mại trong tương lai”, Phạm Hoàng Phú nói.
Đam mê chế tạo từ nhỏ, Nguyễn Tài Minh – học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) đã chế tạo thành công Ứng dụng hỗ trợ giao tiếp dành cho người khiếm thính Việt Nam chạy trên nền tảng IOS sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ý tưởng chính của dự án nhằm tạo ra giải pháp thuận tiện nhằm phá vỡ rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp giữa cộng đồng người khiếm thính và xã hội.
Nguyễn Tài Minh chia sẻ: Dự án được phát triển dưới dạng ứng dụng Signtegrate nhằm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam (Vietnamese Sign Language), cụ thể là ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội thành ngôn ngữ tiếng Việt địa phương nói thường ngày. Ứng dụng sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói, cũng như trích xuất ngôn ngữ tiếng nói thành dạng văn bản. Em mong ứng dụng sẽ được phát triển để trở thành thứ không thể thiếu cho người khiếm thính tại Việt Nam.
Ước mơ khởi nghiệp từ đặc sản địa phương
Với mong muốn quảng bá đặc sản quê hương là rượu cần na ở huyện Chi Lăng đến với đông đảo người dân cả nước, nhóm học sinh Trường THPT Đồng Bành (Lạng Sơn) đã thực hiện dự án “Sản xuất và kinh doanh rượu cần na Chi Lăng”.
Theo Trưởng nhóm Lý Tố Như – học sinh lớp 12A1 – Trường THPT Đồng Bành, nhóm thực hiện dự án với mong muốn hỗ trợ người nông dân tiêu thụ na tốt nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đặc biệt các loại na có mẫu mã xấu. Đồng thời, dự án góp phần tô đậm thêm bức tranh văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc của người dân xứ Lạng.
“Dự án của chúng em giúp giải quyết nút thắt về vấn đề tiêu thụ na. Hơn thế nữa, du khách thập phương mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Chi Lăng hào hùng sẽ được cảm nhận và thưởng thức sự ấm nồng theo từng giọt rượu cần na lan tỏa trong người. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con nông dân và làm phong phú bức tranh nông sản đặc sắc hương vị vùng miền của huyện Chi Lăng trong đề án phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Lạng Sơn”, em Lý Tố Như chia sẻ.
Cũng với mong muốn tận dụng đặc sản quê hương làm lợi thế cho ý tưởng khởi nghiệp, nhóm học sinh Trường THPT Victory (Đắc Lắk) đã tạo ra dòng sản phẩm “Trà túi lọc từ phụ phẩm trái ngô” nhằm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng, nâng cao giá trị cây ngô trên thị trường và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Trần Nguyên Khang – Trưởng nhóm đề tài Trà túi lọc từ phụ phẩm trái ngô – cho biết: Đây là sản phẩm mới lạ, độc đáo khi sử dụng nguyên liệu 100% tự nhiên, trong đó, lõi và râu ngô là thành phần chính. Thông thường khi thu hoạch và chế biến, đây là những phụ phẩm của trái ngô, nhưng lợi ích và công dụng của chúng vô cùng tiềm năng. Sản phẩm có màu sắc, mùi đặc trưng của ngô, có vị ngọt hậu vì có sự kết hợp của cỏ ngọt.
Thầy Nguyễn Minh Phát – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Victory – chia sẻ: Nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm lực và phát huy khả năng sáng tạo của học sinh; trong những năm qua, Trường THPT Victory đã đẩy mạnh phát triển các ý tưởng nghiên cứu khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp trong học sinh và ứng dụng vào thực tiễn.
Xem thêm: Việt Nam đang trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á
Lan Anh giaoducthoidai.vn thực hiện