Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số

Trong nền kinh tế số, dữ liệu và thuật toán đã trở thành trở thành “tư liệu sản xuất” quan trọng cho công nghiệp du lịch.

Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số
Thông qua dữ liệu lớn (Big Data) và thuật toán thông minh, nhu cầu của khách hàng được phát hiện một cách chính xác.

Chuyển đổi số giúp ngành du lịch có cơ hội vượt qua giới hạn về không gian, thời gian, phát triển mô hình mới và hình thành sự cân bằng cung – cầu mới.

Du lịch thông minh và trải nghiệm số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch được hiểu là hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, trong đó bao hàm và gắn kết các thành tố như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến và khách du lịch. Ngày càng nhiều dịch vụ du lịch tại Việt Nam được du khách tiếp cận qua nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến (OTA), đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử,… Trong đó, sự kết hợp của dữ liệu lớn (Big Data) và truyền thông du lịch đóng vai trò là tiền đề cơ bản, giúp chính quyền địa phương, các công ty lữ hành và du lịch đưa ra giải pháp nâng cao trải nghiệm hành trình của du khách.

“Trong du lịch thì yếu tố văn hóa vùng miền là tài nguyên quan trọng bậc nhất, sau là đến cách thức tổ chức chuỗi giá trị du lịch liên địa phương nội địa”, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI, nhận định. Theo chuyên gia, công nghệ số và phương thức truyền thông rộng rãi sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của những điểm đến du lịch từ quy mô nhỏ nhất làng xã đến các đô thị lớn.

Việc hiện thực hóa toàn bộ quá trình lập kế hoạch du lịch trên màn hình, chia sẻ kinh nghiệm về các địa điểm và sản phẩm thông qua nền tảng số, đã tạo ra hành trình trải nghiệm mới của ngành công nghiệp không khói. Vòng quay liên kết của hệ sinh thái du lịch số tạo độ mở cho người tiêu dùng tiếp cận trực tuyến và tham gia tiếp thị thứ cấp các sản phẩm du lịch.

Có thể nói, kinh tế số thúc đẩy sự lan tỏa của ngành du lịch, khiến ngành du lịch hình thành những đòi hỏi mới về trải nghiệm. Thông qua dữ liệu lớn (Big Data) và thuật toán thông minh, nhu cầu của khách hàng được phát hiện một cách chính xác. Mọi tìm kiếm và nhấp chuột trên Internet đều có thể phác họa nhanh chân dung người dùng. Bằng cách đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của họ, thậm chí kích thích họ phát sinh nhu cầu và ham thích tiêu dùng mới.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề, nông thôn.

Số hóa thúc đẩy du lịch nông thôn

Việc ứng dụng công nghệ số trong các chương trình văn hóa và du lịch đã trở thành một điểm khởi đầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nông thôn và và các ngành công nghiệp có liên quan. Bằng việc liên tục tích hợp các nguồn lực du lịch nông thôn thông qua phương tiện kỹ thuật số và củng cố chất lượng dịch vụ đồng bộ, các địa phương có cơ hội từng bước được nâng cấp thành “địa điểm du lịch văn hóa”.

Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực văn hóa và du lịch sẽ góp phần khai thác nhu cầu của thị trường, từ đó tăng cường và mở rộng lặp đi lặp lại các dịch vụ và sản phẩm trong hệ sinh thái du lịch thông minh. Điều này không chỉ đòi hỏi cần cung cấp nền tảng kỹ thuật số tiên tiến, mà còn phải nâng cấp hoạt động quản lý chất lượng dịch vụ tại từng địa phương.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có ba loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Thí dụ tại tỉnh Quảng Nam, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề, nông thôn, có thể kể đến như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (thành phố Hội An),… Tại tỉnh Lâm Đồng, hàng loạt mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan và mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình cà phê Green Box, trang trại rau và hoa, vườn trà Long Đỉnh,…

Việc đổi mới và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa được thúc đẩy bằng nền tảng công nghiệp và sự đồng thuận xã hội. Khi khán giả đã quen với việc xem các buổi trình diễn âm nhạc đồng quê trực tuyến, tham quan vườn rau sinh thái trên Youtube,… càng nhiều sản phẩm văn hóa và du lịch nông thôn sẽ được đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân cả nước.

Chính sách, hành động và đòn bẩy

Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày 24/5/2022, du lịch Việt Nam tăng 8 bậc xếp hạng so với năm 2019. Trong 17 chỉ số trụ cột, chỉ số “Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông” được xếp hạng 54, thuộc nhóm trung bình cao của thế giới.

Công nghệ số đã thay đổi đáng kể nhu cầu đi lại, trải nghiệm và hành vi tiêu dùng của khách du lịch. Từ đó, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh và hiệu quả dịch vụ công của ngành công nghiệp không khói ngày càng được quan tâm. Chính quyền địa phương và các nguồn lực thương mại đang tăng cường đầu tư vào du lịch đô thị thông minh, thông tin hóa du lịch nông thôn và số hóa tài nguyên văn hóa. Văn hóa và công nghệ liên tục trải qua các “phản ứng hóa học”, hình thành nên mô hình “vòng quay kinh tế số” cho nền du lịch Việt.

Ngày 22/01/2021, Thủ tướng chính phủ ký Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Một trong những quan điểm trọng tâm của chiến lược là “Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2022, ngày 02/04, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) chính thức giới thiệu hàng loạt sản phẩm công nghệ nổi bật trong hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm các ứng dụng du lịch, thẻ du lịch thông minh, hệ thống vé điện tử, hệ thống dashboard phục vụ quản lý điều hành; hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch…

Từ tháng 5/2022, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức triển khai chuyển đổi số thông qua áp dụng hệ thống vé điện tử và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, được nhiều du khách đánh giá cao.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam chào mừng SEA Games 31, thành công quảng bá và lan tỏa hình ảnh du lịch của 12 tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức các môn thi đấu. Đây là một trong những cú hích mạnh đưa ngành du lịch Việt bứt tốc.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, Sở Du lịch thành phố công bố thủ đô đón 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế lưu trú. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Trong bối cảnh những thách thức hiện tại, ngành du lịch đứng trước yêu cầu tái thiết với tính chất bao trùm hơn, bền vững và linh hoạt hơn. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc chu đáo và hiệu quả, tận dụng các động lực và chiến lược phát triển. Nói như cách của chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò quan trọng của việc đầu tư công nghệ số.

Xem thêm: Du lịch chăm sóc sức khỏe: Mảnh đất màu mỡ

Theo NB NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG – Cố vấn trưởng Tổ chức giáo dục đào tạo PTI
diendandoanhnghiep.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC