Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hoạt động du lịch dần trải rộng ra các miền Tổ quốc. Ngành Du lịch cùng cả nước bước vào công cuộc khôi phục hoạt động kinh tế và chuẩn bị điều kiện chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giai đoạn này, ngành Du lịch hoạt động trong điều kiện đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, phải tập trung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và phá thế bao vây cấm vận của Mỹ; đồng thời lại phải tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của tổ quốc.
Từ năm 1975 đến 1990, hoà vào khí thế chung của đất nước đã được thống nhất, ngành Du lịch đã làm tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng; lần lượt mở rộng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới từ Huế, Đà Nẵng, Bình Định đến Nha Trang, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ… Các doanh nghiệp du lịch nhà nước trực thuộc Tổng cục Du lịch, các bộ, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố từng bước thành lập nhằm phát huy vai trò chủ đạo trong hoạt động lữ hành, quảng bá, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Thời kỳ 1975-1986, các doanh nghiệp du lịch vận hành theo mô hình tập trung quan liêu bao cấp nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Đây cũng là thời kỳ nền kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Sau năm 1986, Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VI ra đời đã đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng và điều hành kinh tế vĩ mô. Mô hình kinh tế được chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế từng bước được mở cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động phát triển kinh tế năng động và hiệu quả hơn. Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp du lịch nhà nước đã được Tổng cục Du lịch và các địa phương rất quan tâm.
Về mặt tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có một số lần thay đổi về mô hình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Cụ thể, tháng 6/1978, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đến tháng 8/1987, Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 4/1990, Tổng công ty Du lịch Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại bộ máy của Tổng cục Du lịch cũ, chịu sự quản lý Nhà nước trực tiếp của Bộ Văn hoá – Thông tin – Thể thao và Du lịch.
Đội ngũ lao động trong ngành Du lịch ở giai đoạn trước năm 1986 chủ yếu phục vụ công tác ngoại giao, đối ngoại theo mô hình bao cấp. Từ sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, các doanh nghiệp du lịch đã từng bước tự chủ kinh doanh phục vụ theo cơ chế thị trường cạnh tranh, nhờ đó mà đội ngũ lao động đã từng bước được đào tạo nâng cao tay nghề để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn này, ngành Du lịch đã phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách, tổ chức đón tiếp và phục vụ khách du lịch quốc tế từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác trên thế giới đến Việt Nam; đồng thời phục vụ chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ mát cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức thuộc các tổ chức chính trị – xã hội và các doanh nghiệp nhà nước.
Nhà Hát Lớn là một điểm du lịch thu hút khách ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
Có thể nói, Du lịch Việt Nam giai đoạn 1975-1990 đã góp phần tích cực tuyên truyền giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới và tổ chức cho cán bộ của các cơ quan, tổ chức đi công tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, giao lưu hai miền Nam – Bắc, thiết thực góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Du lịch Việt Nam cũng đã góp phần làm thế giới hiểu rõ thêm về quan điểm, nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân sau chiến tranh về hòa bình, độc lập dân tộc, mong muốn hợp tác với các quốc gia, đối tác trên thế giới. Với chủ trương đó, ngành Du lịch đã phát triển thêm một bước, hoạt động có kết quả tốt hơn, đặt nền móng cho sự phát triển cao hơn trong giai đoạn mới.
Xem thêm: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL)