Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học- Công nghệ) phối hợp Vườn ươm Công nghệ cao (thuộc Khu Công nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo “Innovation day- Cơ hội kết nối giao thương giữa các dự án khởi nghiệp (KN) đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL”.Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động KN đổi mới sáng tạo ở ĐBSCL thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ mạnh mẽ để tháo gỡ.
Theo ông Lê Minh Khánh- Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, khái niệm KN được gắn với đặc thù là dựa trên sáng tạo. Trong văn bản chính sách hiện nay ở Việt Nam, doanh nghiệp KN đổi mới sáng tạo được mô tả là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”.
Ông Lê Minh Khánh cho rằng, những năm qua, KN đổi mới sáng tạo được Chính phủ rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều thách thức: thiếu chính sách ưu tiên, thủ tục chưa phù hợp đặc thù, hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế.
Trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp FDI chưa lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Ông nêu ví dụ: về quỹ đầu tư mạo hiểm, hiện có khoảng hơn 20 quỹ có hoạt động đầu tư cho KN đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết là quỹ nước ngoài, chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam.
“Điều này cần suy nghĩ từ góc nhìn chính sách. Nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ không lựa chọn. Ngoài ra, các startup trong nước có thể sẽ ra nước ngoài để lập nghiệp”- ông Lê Minh Khánh trăn trở và nói thêm- “Mặc dù thực trạng KN ở Việt Nam năm 2017 có nhiều cải thiện giúp cho tỷ lệ người tham gia khởi sự kinh doanh đã tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ số mà Việt Nam kém xa so các nước trong khu vực. Trong đó, phải kể đến như lo sợ thất bại trong kinh doanh, yếu tố đổi mới sáng tạo trong kinh doanh…”
Còn theo ông Trần Hà Đông Quân- Phó Giám đốc Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc, thời gian qua, các địa phương ĐBSCL chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững với mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng thông qua ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ nông sản.
Theo ông Trần Hà Đông Quân, Vĩnh Long đã có các doanh nghiệp, dự án KN áp dụng chuỗi cung ứng cho sản phẩm khoai lang, mô hình thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có ứng dụng khoa học kỹ thuật (nhằm tăng thời gian tồn trữ và giảm tỷ lệ hư hỏng).
Đồng thời, nhiều sản phẩm bánh chế biến từ khoai lang đã ra đời, góp phần tạo dựng thương hiệu địa phương. Tại Bến Tre, có nhiều sản phẩm nổi bật như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa; từ dừa tạo ra nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng cao: sữa dừa đóng lon, mặt nạ dừa, giấy dừa nghệ thuật, ống hút từ nước dừa…
Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc cũng nhận thấy nhiều khó khăn như: tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, tiếp cận các giải pháp về khoa học công nghệ, thị trường không ổn định, sự liên kết chưa chặt chẽ.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp, dự án KN rất muốn áp dụng công nghệ vào trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh nhưng không đủ nguồn lực đầu tư, cũng như không biết và không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khi làm việc cùng với Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc chia sẻ rằng, doanh nghiệp thấy được những khuyết điểm trong các sản phẩm nhưng không biết phải làm thế nào, cũng như không biết tìm đến đâu hỗ trợ để khắc phục.
Bên cạnh, đại đa số hộ sản xuất chưa thể đầu tư lớn vào khoa học công nghệ một mặt là do tâm lý về thị trường giá cả các sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nguy cơ lỗ vốn khá cao.
Đồng thời, nhiều DN chưa thể tiếp cận, tìm hiểu những ứng dụng khoa học công nghệ mới, những nghiên cứu của các chuyên gia từ các viện, trường, dẫn đến việc không thể áp dụng hoặc chậm áp dụng- ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Sau một năm KN nông nghiệp công nghệ cao với vốn đổ vào lên đến hàng tỷ đồng, Nguyễn T. N. ở Mỹ Hòa (TX Bình Minh- Vĩnh Long) cho biết, “vẫn đang khát vốn nhưng không biết “gõ cửa” nơi nào. Bởi vậy, dự án đáng lý đã hoàn thành từ tháng 6/2020 thì đến nay mới được khoảng 60%”.
Bên cạnh khó khăn về vốn, N. chia sẻ, còn những khó khăn khác về thị trường tiêu thụ, tìm kiếm nhân sự phù hợp và kiểm soát dịch bệnh… Do đó, N. kỳ vọng “các sở ngành liên quan, ngân hàng… sẽ liên kết chặt chẽ để gỡ khó cho thông suốt hết”.
Xuất phát từ thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án KN nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh, có cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư khâu sơ chế và chế biến sâu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ nhằm tạo sự ổn định cho thị trường. Cùng với đó, nâng cao tiềm lực tài chính của DN, dự án KN thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Minh Khánh cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các trường ĐH, viện, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Bộ Khoa học- Công nghệ phát huy vai trò cầu nối của bộ với các chủ thể trong hệ sinh thái KN. Đồng thời, xây dựng mối liên kết trong hệ sinh thái KN của vùng ĐBSCL.
Xem thêm: ĐBSCL, 33 học viên đầu tiên tham dự lớp Khởi nghiệp liêm chính
Nguồn: https://khoinghiep.org.vn/