Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Hồn mắm

Tôi lên chuyến xe đò giữa đêm, từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau. Mất gần 8 tiếng đồng hồ cho lộ trình về miền đất mũi. Cảm giác ngao ngán ngay từ lúc cầm chiếc vé xe ngồi ở phòng chờ. Vậy mà không hiểu sao, ông nội vẫn thường phấn khởi đón xe về mảnh đất cuối trời, chỉ để hít thở không khí Cà Mau rồi mấy hôm lại lục đục trở về phố.

Đó là nói lúc ông chưa bước qua tuổi tám mươi, sức khỏe còn dẻo dai. Còn bây giờ, ông không đi lại được, thần trí không được như lúc trước. Phải chăng vì vậy mà dù ở phố có biết bao món ăn ngon, bổ dưỡng ông cũng khước từ, nhưng lại đòi cho bằng được món chè mắm Cà Mau. Ba tôi nói: “Món đó ở phố làm sao có được tía?”. Ông nội có vẻ thất vọng, đêm ôm gối ngó vào vách, ông khóc hức như đứa trẻ đòi quà không được, thút thít: “Hồi nó rủ mình đi, nó nói ở thành phố thứ gì cũng có. Vậy mà trái mắm trôi sông cũng không tìm ra…”. Ba mẹ nghe nội nói, lòng thấy xót xa: “Hóa ra mình thất hứa với ông già!”. Nhưng quả thật mấy hôm tìm nát phố, vẫn không sao ra được món chè mắm cho nội. Đến lúc nội có vẻ buồn rầu và sa sút hơn, ba quyết định “cử” tôi về Cà Mau, tìm đem về món chè mắm mà nội vẫn hay ú ớ trong mơ gọi đồng đội: “Luộc cho thiệt lâu mới được nha đồng chí!”.

Xe đến Cà Mau, vẫn còn trong cơn say xe ngật ngưỡng thì tôi lại phải chuyển sang ca nô đi thẳng về Ngọc Hiển để tìm nhà bà Năm Hữu, người được nội nhắc rằng biết làm món chè mắm ngon nhất xứ Cà Mau. Tàu rẽ nước băng băng trên con sông hai bên là um tùm cây mắm nội thường hay kể. Tôi tưởng tượng ven bờ là đoàn binh, dấn thân trên nền đất rừng ngập mặn; để rồi tự vấn, phải chăng mắm là loài kiên cường nhất nơi đây?

Tôi hỏi ông chú trạc tuổi nội, đi cùng tàu: “Nước mặn vầy, cây mắm chịu nổi sao ông?”. Ông cụ có nụ cười móm mém, khi mở miệng nói gì đó thì lộ rõ ra hàm răng trống huơ trên gương mặt phúc hậu, kiểu người nông thôn Nam Bộ thật thà: “Mắm là loài chịu mặn rất giỏi, dù nước biển ngập cỡ nào mắm cũng có thể sinh sôi. Hồi kháng chiến, giặc cho thả chất độc hóa học hủy diệt cây cối ở rừng Cà Mau. Tất cả các nơi bị phun hóa chất, cây cối đều chết ráo trọi. Chỉ riêng cây mắm là bị rụng lá, nhưng không chết. Cây rụng lá trơ trọi nhưng không lâu sau cây lại đâm chồi xanh và mọc thêm lá mới”.

Tôi chợt hình dung mảnh đất anh hùng mà ông nội tôi hay kể, cũng một phần mang dáng dấp cây mắm kiên cường. Câu chuyện về đại đội của nội những năm bị giặc càn quyết liệt, phải trốn sâu vào rừng mắm sống cảnh nước cất từng lon, đói ăn trái mắm, mà chẳng một ai chịu rời bỏ nơi này. Nội nói, thời kỳ đó như lửa tôi rèn thép, càng thử thách khắc nghiệt thì lòng yêu nước càng thêm sâu sắc. Dù trong cảnh đói khổ gian nguy, nhưng nội và các đồng đội vẫn vượt qua, bằng nước cất, bằng trái mắm và bằng tấm lòng kiên cường, bất khuất cũng như cây mắm của quê hương xứ sở mình. Có lẽ rằng, ông bà năm xưa khi sinh con, đã chôn nhau và rốn ở những gốc mắm quê hương trầm thủy, nên sự kiên cường của mắm đã ăn sâu vào tâm thức con người ngay từ lúc mới sinh ra…

Ông cụ đi chung tàu với tôi cũng là dân Ngọc Hiển, ông có bộ râu dài và đẹp, cứ để gió phất phơ những cọng râu trắng dưới cằm bay bay. Hướng tay chỉ về phía một góc nhà ven kênh, có tụi nhỏ đu đưa trên nhánh mắm rồi nhảy ùm xuống sông, ông nói, dân Cà Mau từ nhỏ đã gắn liền với cây mắm. Trò chơi tuổi thơ cũng bên gốc mắm, cây mắm, trái mắm. Thấy tôi thắc mắc, ông kể tiếp. Trẻ con ở nơi đây, bẻ trái mắm tách thịt hai bên ra, còn lại phần nhụy gọi là “gà”. Cứ mỗi đứa cầm một “con gà” để kề nhau cho đến khi hai “con” dính lại rồi giật mạnh, nhụy nào còn nguyên kể như “con gà” đó thắng… Những trò chơi đơn sơ, hồn nhiên và gần gũi ấy đã nuôi lớn tâm hồn biết bao thế hệ như ông nội và cha tôi. Những người lớn lên bên gốc mắm, không biết cầm ipad tra cứu thông thạo vạn vật trên đời, nhưng là những người kiên cường trước sóng bão đạn bom, vẫn học hành nên người dù mỗi ngày phải lội bộ 4-5 cây số đến lớp.

Tôi mở điện thoại chụp lại tấm ảnh trái mắm rụng bên sông. Cảnh có vẻ xác xơ và buồn tủi. Tôi hình dung một sự chia lìa vô định, đẩy đưa trái mắm không biết muôn nẻo về đâu. Có chút vô cớ tủi lòng. Nhưng ông cụ ngồi bên nói, thật ra không như tôi nghĩ. Trái mắm đến mùa rụng đầy sông, rồi theo sông trôi ra biển lớn. Trên đường đi, mắm sẽ đâm rễ và mọc lại dọc dài kênh rạch, cho đến khi ra đến biển cũng sẽ mọc dài bờ biển tạo nên những bãi bồi phù sa xa dần, xa dần. Thế nên ông bà ta thường hay nói: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước, mái nhà ai”… Cây mắm được xem là tam công thời mở cõi, là đồng đội kề bên gìn giữ từng tấc đất quê hương, là người mẹ xứ sở bao dung từng bữa no bữa đói, là bè bạn tuổi thơ í ới sân nhà… Và là ký ức những đứa con của đất đi xa. Ăn đâu, ở đâu cũng nhớ về một mối, cuối trời đất mũi là gốc mắm vươn vai…

Có chút bùi ngùi khi nhìn những cây mắm dọc dài con kênh, dọc dài nỗi nhớ của ông nội hằng đêm ú ớ. Quê cha đất tổ là một nơi xa xôi (theo tôi nghĩ) nhưng lại là nơi mang đậm dáng vẻ của một cánh rừng trầm ngâm và bao dung như người mẹ đất. Phải chăng vì vậy mà ông nội vẫn cứ đau đáu trong lòng một góc trời Nam, dẫu nơi đó trong mắt chúng tôi chỉ là một cánh rừng ngập mặn hoang vu với biết bao đỉa vắt, muỗi mòng và rắn rết?

Từ giã ông cụ, tôi lên chợ Rạch Tàu, ông cụ cười phúc hậu nhắn rằng: “Nhà tui ở Cá Mòi, có rảnh ghé tui chơi, xuống Cà Mòi hỏi Tư Nhâm ai cũng biết”… Bước lên bờ, lòng vẫn cứ nghĩ không biết bao giờ gặp lại ông cụ hôm nay.

Nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ. Phải mất gần mấy tiếng đồng hồ mới hỏi và tìm được đến nhà bà Năm Hữu. Nhưng bà lại đi thăm cháu nội tận ngoài Bảo Lộc chưa về. Tôi vác ba lô trở ra chợ hỏi thăm món chè trái mắm. Mọi người lắc đầu, “món đó xứ này giờ còn ai ăn đâu cậu”. Hy vọng mong manh như gặp phải sóng, xăm xắp nhấn chìm. Tôi lơ thơ ra bến tàu, định sẽ về ngay thành phố. Quả thật tôi vẫn chưa quen lắm với không khí nơi này, mặc dù cũng có hơn năm bảy lần về đây để cúi đầu trước những nấm mồ tổ tiên nép bên hàng hàng gốc mắm.

Tàu sắp rời đi, tôi chợt hiện lên ý nghĩ. Tôi bao luôn một chiếc xe Honda ôm về thẳng Cá Mòi. Chật vật cũng lâu mới đến được nhà ông cụ. Gặp tôi ông có phần bất ngờ, nhưng nỗi vui hiện rõ lên khuôn mặt. Ông nói: “Chú mầy giữ đúng lời hứa rồi nghe”. Cảm giác bên người xa lạ mà sao thấy thân quen như người thân thiết tự bao giờ. Tôi ngồi cùng ông bên cái vạc làm bằng thân cây mắm. Ông hớp ngụm trà rồi nói, hồi xưa khốn khó, nhà toàn làm bằng cây mắm, cây đước. Còn giờ giữ mấy thứ làm bằng mắm là để nhắc nhớ năm xưa, để thấy an nhiên trong lòng.

Tôi đem chuyện món chè mắm của nội ra kể. Ông cụ lắng nghe chăm chú. Ông nói: “Chú làm tôi cảm động. Chú ra đây, ra đây”…

Tôi theo ông cụ ra bến sông. Ông bẻ hồi lâu được đầy rổ mắm. Ông nói, mắm này phải ngâm rồi luộc đi luộc lại 8 lần thì mới ăn được. Chứ thôi nó chát. Ông lụi hụi trong bếp cả buổi chiều chỉ canh nồi mắm luộc. Về đêm lửa riu riu, tôi nằm võng ngó nồi mắm mà lòng phấp phỏng chờ mong. Ông cười: “Chè mắm chắc là không ngon bằng chè ở phố”. Nhưng hôm sau, khi nồi nước đường đã bắt lên, trái mắm luộc qua 8 nước, hết vị chát được thả vào thì cảm giác chè mắm dâng lên trong tôi niềm chờ mong phấn khởi. Nồi chè xong, ông múc một chén mời tôi. Đến giờ tôi vẫn không biết phải nói sao cho đủ đầy vị mắm. Nhưng tôi vẫn nhớ như in cảm giác vừa là lạ vừa thân quen, như tôi đã ăn món chè mắm lúc nào rồi… Ông cụ nói, người có trong máu mùi vị mắm thì khi ăn sẽ cảm giác được sự thân quen. Chắc là như vậy. Và tôi biết, món chè mắm sẽ còn theo ký ức tôi lâu, lâu hơn nữa…

Tôi lủ khủ chè mắm, trái mắm tươi, mắm khô, cùng mớ bồn bồn, ba khía… lên đường về phố. Ông cụ đứng ở bến sông nói với tôi: “Dù ông anh không có bà con thân thuộc với tôi, nhưng chú cho tui gửi lời thăm ông anh. Nhắn rằng, mắm ở Cà Mau vẫn còn nhiều lắm, vẫn hằng ngày lấn biển giữ gìn từng hạt phù sa”.

Tôi nghe lòng mình xốn xang, ngó ông cụ vẫn còn đứng phía xa, sau những hàng mắm dọc dài theo con rạch. Tự dưng, tôi thèm cảm giác được làm thằng Cộc trong truyện ngắn “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc quá đỗi. Tôi ơi. Cộc ơi… có nghe thấy không, những cây mắm mọc trong lòng người đã bắt đầu một mùa đâm chồi xanh mươn mướt…

Xem thêm: Bí quyết tạo nên đặc sản lẩu mắm rừng U Minh

Tùy bút của LÊ QUANG TRẠNG(qdnd.vn thực hiện)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC