Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Khám phá rừng ngập mặn Cà Mau

Cách thành phố Cà Mau khoảng 60 km và sau hơn giờ đi bằng tàu cao tốc du khách sẽ được khám phá rừng ngập mặn Cà Mau – khu rừng ngập mặn lớn thứ 2 trên thế giới, sau rừng Amazôn ở Nam Mỹ. Nhìn từ trên cao, rừng ngập mặn Cà Mau như một tấm thảm xanh lơ lửng giữa vòm trời.

Khám phá rừng ngập mặn Cà Mau
Rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: Thanh Dũng

Rừng nơi đây có một thảm thực vật rất phong phú, đa dạng, với nhiều loài cây như: đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, dương xỉ, dây leo… Trong đó, đước là loài cây chiếm đại đa số nên nhiều người còn gọi là rừng đước Cà Mau.

Du lịch dưới tán rừng. Ảnh: Huỳnh Lâm

Giai đoạn từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã sử dụng hàng triệu lít chất độc màu da cam, chất độc màu trắng và chất độc màu xanh lơ để rải xuống rừng ở Cà Mau. Khi còn nắm trong tay quyền lực của một “Đệ nhất phu nhân”, Trần Lệ Xuân câu kết với nhiều tay chân tư sản ở Sài Gòn mở cúp, xây lò, hầm than, khai thác triệt để than củi ở rừng ngập mặn Cà Mau. Tại nhiều nơi ở rừng ngập mặn Cà Mau vẫn còn lưu lại dấu tích lò hầm than của “Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân”.

Đặt cá thòi lòi của cư dân địa phương. Ảnh: Huỳnh Lâm

Dưới tán tán rừng ngập mặn Cà Mau có nhiều loài động vật quý hiếm như khỉ, voọc, heo rừng, chồn, rái cá, chim, tôm, cá cùng nhiều loại động thực vật phiêu sinh.

Cắm cua ở ven rừng. Ảnh: Huỳnh Lâm

Một phần diện tích rừng ngập mặn Cà Mau được công nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và là Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới.

Nhiều loài chim về xây tổ dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Tạ Nhật Huy

Hàng năm, Bãi Bồi thuộc khu vực rừng ngập mặn Mau được phù sa bồi đắp và lấn dần ra biển từ 50 đến 80 mét. Nơi đây, có cồn Ông Trang với những cồn cát dần được nổi lên và được cây mắm bao phủ một màu xanh để đi mở đất. Mỗi khi mùa đông đến, hàng đàn chim từ phương Bắc lạnh giá sẽ dừng chân tại đây tìm thức ăn trước khi hành trình về châu Úc xa xôi.

Đóng đáy sông ở rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm

Tiếp tục cuộc hành trình khám phá, du khách đến với Mũi Cà Mau. Đây được coi là điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc Việt Nam. Trên cột mốc quốc gia có ngôi sao 5 cánh ghi số hiệu GPS 0001. Trên biểu tượng Mũi Cà Mau có ghi tọa độ 8037’30” độ vĩ Bắc – 104043’ độ kinh Đông. Mũi Cà Mau có vọng hải đài cao 20,5m. Nơi đây, du khách phóng tầm mắt và bị choáng ngợp bởi cái không gian mênh mông của rừng, của biển.

Mũi Cà Mau. Ảnh: Thanh Dũng

Đến với rừng ngập mặn Cà Mau du khách được hít thở cái không khí trong lành; được tìm hiểu khám phá bến Vàm Lũng – nơi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, được ngắm nhìn đảo Hòn Khoai, bãi Khai Long, tìm hiểu những trận đánh tàu trên sông Tam Giang; nghe kể chuyện “cất nước từng lon, đói ăn trái mắm” của cư dân Rạch Gốc, Tân Ân; được xem câu cá dứa, bắt cua, ốc len, sò, vọp… dưới tán rừng; được thưởng thức các món ăn đặc sản của rừng, của biển…

Xem thêm: Về U Minh Hạ, lội rừng ăn ong lấy mật, thưởng thức vô số đặc sản trứ danh

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC