Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Khám phá rừng phòng hộ Kiến Vàng

Rừng phòng hộ Kiến Vàng thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển; cách trung tâm huyện khoảng 1km về phía đông; là nơi rừng tiếp giáp biển với một hệ sinh thái vô cùng độc đáo.

Khám phá rừng phòng hộ Kiến Vàng - TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỈNH CÀ MAU
Nhìn từ trên cao, rừng Kiến Vàng như một thảm thực vật xanh mát.

Rừng phòng hộ Kiến Vàng có vị trí chiến lược quan trọng của huyện Ngọc Hiển, có thể mở hướng vươn khơi thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đảo (dịch vụ, nuôi trồng, đánh bắt…) vừa thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch, đồng thời còn đóng vai trò quan trọng, là lá phổi xanh điều hòa nhiệt độ cho cả vùng.

Rừng Kiến Vàng nói chung, địa danh Kiến Vàng nói riêng có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Theo ông Huỳnh Văn Xê, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, năm 2019, tỉnh đã giao cho đơn vị trồng 10ha rừng theo chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu (trồng mới) và khoảng 100ha (trồng rừng sau khai thác), đơn vị sẽ cố gắng giữ rừng cho tốt. Khu rừng giống như một bảo tàng thiên nhiên hoang sơ vô cùng độc đáo, có khí hậu ôn hòa, địa hình, cảnh quan tuyệt đẹp. Nhìn từ trên cao, rừng Kiến Vàng với hệ thống rừng ngập mặn tự nhiên bao la xanh ngát. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, Kiến Vàng đã phủ lại màu xanh gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn quý hiếm mũi Cà Mau.

Hiệu quả kép từ nuôi vọp ốc len dưới tán rừng ngập mặn ở Sóc Trăng
Ốc len dưới chân rừng phòng hộ Kiến Vàng.

Dưới tán rừng có nhiều động thực vật phong phú, với nhiều chủng loài khá độc đáo. Những đàn cò trắng thường xuyên bay về trú ngụ; có nhiều loài bò sát, trong đó có rắn hổ đước, kỳ đà, chồn thuộc loại quý hiếm. Đặc biệt, rừng Kiến Vàng có nhiều loài thủy sản ngon: Tôm sú, cua biển, ba khía, ốc len, vọp… Các yếu tố đặc thù đó đã tạo cho Kiến Vàng có những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái rừng, biển, với các sản phẩm, loại hình: Tham quan, nghiên cứu, khám phá rừng nguyên sinh…

Rừng phòng hộ Kiến Vàng

Người dân tại các tiểu khu nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng rất hiệu quả.

Kiến Vàng còn có địa danh lịch sử nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Khu di tích Gốc me truyền thống, nơi thành lập Chi bộ Rạch Gốc. Đây là nơi khởi nguồn cho phong trào cách mạng của vùng đất Mũi Cà Mau, gắn liền với người anh hùng Phan Ngọc Hiển; Bến Vàm Lũng là bến tập kết vũ khí cuối đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển; là biểu tượng cho ý chí ý kiên cường và lòng quả cảm của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Trong Đề án phát triển du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau được Thủ tướng phê duyệt, Kiến Vàng là một trong những phân khu đầy tiềm năng về sinh thái. Có rừng, cùng nhiều địa danh về văn hóa lịch sử nổi tiếng đã đi vào huyền thoại. Kiến Vàng đã và đang từng ngày chuyển mình với nhiều khởi sắc mới.

Xem thêm: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

HUỲNH LÂM (baoanhdatmui.vn)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC