Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Khởi nghiệp từ “4 không”

“Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ “4 không”: không vốn liếng, không quan hệ, không chuyên môn, không kinh nghiệm. Thứ tôi có duy nhất là sự nỗ lực và nỗ lực không ngừng nghỉ”.

Doanh nhân Nguyễn Đài Trang trải lòng với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Bị khuyết tật từ bé nhưng vượt lên số phận, chị Nguyễn Đài Trang đã trở thành chủ của nhiều thương hiệu có tiếng tại thành phố Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hơn 100 nhân viên và hệ thống cộng tác viên.

Vượt lên số phận

Sinh ra là cô bé xinh xắn nhưng trận sốt khi vừa tròn 3 tháng tuổi đã cướp đi đôi chân của chị. Cuộc sống vô vàn khó khăn nhưng Nguyễn Đài Trang (sinh năm 1981) vẫn quyết tâm xin bố mẹ đến trường học. Bằng những nỗ lực không ngừng và vượt lên mọi khó khăn, năm 2002, Trang thi đậu vào ngành công nghệ thông tin của một trường đại học.

Ra trường, cầm tấm bằng trên tay, Trang được nhận vào làm văn thư tại một trường cấp 2 ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Với đồng lương ít ỏi của nhân viên hợp đồng không đủ để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người. Chị xin nghỉ việc trở về quê ở Nghệ An mở hiệu sách tự chọn và làm cộng tác viên cho một công ty truyền thông. Năm 2009, chị quay lại Hà Tĩnh tiếp tục bươn chải đủ nghề để kiếm sống từ làm nhân viên văn phòng cho công ty Quỳnh Viên, thu ngân quán cà phê đến nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel.

“Lúc đó, tôi cảm thấy những việc mình làm thời gian rất gò bó, ngồi nhiều khiến cột sống bị vẹo. Vì vậy tôi quyết định chuyển hướng sang kinh doanh”, chị Trang kể lại.

Doanh nhân Nguyễn Đài Trang (bên trái) luôn khát khao đồng hành cùng những người khuyết tật

Để bắt đầu công việc kinh doanh, chị vay mượn bạn bè và người thân 200 triệu đồng mở quán cà phê, nhưng khách không nhiều, doanh thu chưa ổn. Chị quyết định về lại quê Nghệ An, tìm đến một quán lẩu nổi tiếng ở thành phố Vinh học nấu ăn. Sau khi thành thạo “menu” của quán, Trang quay lại Hà Tĩnh mở quán lẩu Hiếu. Chỉ trong thời gian ngắn, lẩu Hiếu trở thành thương hiệu quán lẩu tại Hà Tĩnh, khách tìm đến ngày một đông. Sau một năm hoạt động khá tốt, có vốn, chị tiếp tục mở thêm một nhà hàng ăn uống khác và khá thành công.
“Sau mỗi lần xây dựng được một thương hiệu thành công, tôi lại chuyển nhượng thương hiệu và mở cái lớn hơn. Song song với nhà hàng, tôi tiếp tục mở thêm quán lẩu chi nhánh 2 và quán cà phê. Hiện tôi đang có thêm những “đứa con tinh thần” khác là shop Nami và Công ty bất động sản Trangland”, chị Trang chia sẻ.

“Cứ đi rồi sẽ đến”

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 khiến việc kinh doanh “đóng băng”, các chi phí như thuế, phí mặt bằng, tiền lãi ngân hàng… khiến công ty của chị gặp nhiều khó khăn. Để dìu dắt công ty tiếp tục vượt qua, chị Trang chủ động tìm hướng đi mới, kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu để giữ chân nhân viên.

“Tôi luôn tâm niệm câu nói “cứ đi rồi sẽ đến, hành trình vạn dặm luôn bắt đầu từ một bước chân”. Tôi tự nhủ rằng với một người tất cả bắt đầu đều từ con số 0, sức khỏe lại không được như người khác thì bản thân phải nỗ lực gấp nhiều lần. Tôi cũng tự hào khi đến giờ phút này đã tạo ra giá trị của bản thân mình, tạo thu nhập cho đối tác và giải quyết việc làm cho nhiều người”, cô chủ của những thương hiệu nói và bày tỏ thêm bản thân vẫn luôn nung nấu ý định một ngày nào đó sẽ tạo một thương hiệu mang lại nguồn thu nhập cho những người khuyết tật.

Theo chị Trang, đối với bất kỳ startup nào, điều đầu tiên cần phải chú ý chính là chất lượng. Chất lượng tốt thì khách hàng mới tin tưởng tìm đến. Tuy nhiên, chất lượng tốt thôi chưa đủ mà cần phải biết làm thương hiệu, nhưng nỗ lực xây dựng thương hiệu tốt mà không có chất lượng thì cũng đều vô nghĩa.

Xem thêm: Start-up tìm khách hàng xuất khẩu

Tâm Đan diendandoanhnghiep.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC