Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Mang sản phẩm khởi nghiệp xuất khẩu quốc tế

Khi sản phẩm khởi nghiệp dần khẳng định thương hiệu, chị Mai Thị Ý Nhi (Đà Nẵng) đã mang sản phẩm “Bánh dừa nướng đậu phộng” xuất khẩu quốc tế, từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Nâng tầm nông sản Việt

Xuất phát là một nhân viên phân phối nguyên phụ liệu làm bánh, chị Mai Thị Ý Nhi (Đà Nẵng) đã nghĩ đến một con đường khởi nghiệp cho riêng mình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, người phụ nữ này đã định hướng phát triển một sản phẩm gắn liền với giá trị của nông sản Việt.

Mở đầu hành trình khởi nghiệp, chị Nhi đã quyết tâm theo học nghề làm bánh mì thông qua một khách hàng thân thiết. Với sự tận tâm của người hướng dẫn, chị Nhi đã học thành nghề và mở cơ sở sản xuất bánh mì tươi để cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng.

Chị Mai Thị Ý Nhi (áo vàng xanh) cùng đối tác kiểm tra chất lượng sản phẩm,

Sau một năm bước chân vào nghề làm bánh, người phụ nữ này dần chuyển hướng sản xuất thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến với Đà Nẵng. Đó là quà tặng cho gia đình, bạn bè sau mỗi chuyến đi chơi, nghỉ dưỡng.

Nghĩ là làm, chị Nhi bắt đầu tìm tòi, phát triển sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu thị trường. Là người con gốc Bình Định với lợi thế về cây dừa, chị Nhi đã nảy sinh ý tưởng tạo nên một sản phẩm từ nguyên liệu này, qua đó góp phần nâng tầm nông sản của địa phương.

“Tam Quan – Bình Định vốn là vùng có lợi thế lớn về cây dừa, vì vậy nếu phát triển được sản phẩm đặc trưng gắn liền với vùng nguyên liệu sẽ hỗ trợ được cho cộng đồng tại địa phương, cùng với đó là nâng giá trị của mặt hàng này. Nghĩ đến đó, năm 2017 tôi quyết định lên ý tưởng cho một loại bánh nướng mà nguyên liệu chính là cơm dừa”, chị Mai Thị Ý Nhi chia sẻ.

Bắt đầu ý tưởng, chị Nhi đã hướng đến sản xuất bánh dừa nướng để làm quà tặng trong du lịch. Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm chất lượng không phải là chuyện dễ dàng.

Trong giai đoạn thử nghiệm, chị Nhi liên tục bị “vả” khi sản phẩm hoàn thiện không thể đạt yêu cầu của thị trường. Các mẻ bánh thành phẩm luôn bị cứng, ngọt,… hơn so với mục tiêu. Loay hoay suốt một năm, tưởng chừng như người phụ nữ này sẽ bỏ cuộc vì liên tục gặp thất bại.

Cơ sở sơ chế được đặt ngay tại vùng Tam Quan – Bình Định.

Từ sự động viên của gia đình, chị Nhi lại tiếp tục với hành trình khởi nghiệp của mình. Cùng với sự giúp sức từ người chồng, “Bánh dừa nướng đậu phộng Topcoco” được ra đời với nhiều cải tiến, hoàn thiện công thức riêng, đảm bảo chất lượng để phục vụ người tiêu dùng.

“Mặc dù thành công trong việc tạo ra sản phẩm nhưng khó khăn vẫn luôn bủa vây  quá trình phát triển của cơ sở. Thực tế, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm bánh dừa nướng nên việc cạnh tranh là không hề dễ. Chưa kể đến, cơ sở khi mới thành lập vẫn ở quy mô nhỏ nên sản lượng chưa thể đáp ứng ngay. Vì vậy, sản phẩm “Bánh dừa nước đậu phộng” chọn cách tiếp cận thị trường một cách từ tốn nhưng an toàn”, chị Nhi chia sẻ thêm.

Từng bước chinh phục thị trường quốc tế

Chia sẻ về cơ duyên xuất ngoại sản phẩm, chị  Mai Thị Ý Nhi cho hay bước ngoặt đến từ một khách hàng người Nhật Bản. Sau khi đến Đà Nẵng du lịch, vị du khách này đã mua sản phẩm “Bánh dừa nước đậu phộng Topcoco” để làm quà và dùng thử. Sau khi sử dụng, người này đã liên hệ đến cơ sở ngỏ ý muốn thương mại hóa sản phẩm và nhập khẩu đến thị trường Nhật Bản. Và đây chính là đối tác đầu tiên của chị Nhi trong hành trình phát triển.

Tuy nhiên, để “đặt chân” để xứ sở “Mặt trời mọc”, sản phẩm bánh dừa nướng lại một lần nữa phải thay đổi về quy trình, thành phần, công thức để phù hợp. Năm 2019, cotainer hàng đầu tiên với 780 thùng sản phẩm đã được xuất ngoại đến Nhật Bản.

Hiện công ty của chị Nhi đang có 45 nhân công với thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc xuất ngoại, sản phẩm bánh dừa nướng cũng dần dần xâm nhập thị trường nội địa, bắt đầu từ việc đi tiếp thị từng cơ sở, gian hàng. Với kinh nghiệm tiếp thị nhiều năm, sản phẩm do chính cơ sở sản xuất đã xuất hiện dày nhiều hơn trên thị trường.  

Để khẳng định thương hiệu và đứng vững hơn, chị Nhi cùng chồng thành lập Công ty TNHH Mỹ Phương Food để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Song hành, công ty quyết định nâng cấp công xưởng, nhà máy hội đủ các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến. Trong đó, có một công xưởng sơ chế thô đặt tại Tam Quan (Bình Định) và một nhà máy sản xuất ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Đến hiện tại, tổng kinh phí đầu tư cho các cơ sở, nhà máy đã lên đến 12 tỷ đồng.

Sau một thời gian đầu tư, thị trường quốc tế dần rộng mở đối với sản phẩm “Bánh dừa nướng Topcoco”. Càng ngày càng có nhiều nhà phân phối  từ Hàn Quốc, Lào, Đài Loan, Trung Quốc,… chủ động tìm tới để đặt mua sản phẩm. Ngoài ra, chị Nhi còn liên kết với một số công ty xuất khẩu trung gian đến với nhiều thị trường khác như Pháp, Anh, Hà Lan,…

Sản phẩm khởi nghiệp xuất hiện tại nhiều quầy hàng lưu niệm du lịch đã mở ra cơ hội kết nối, xuất ngoại.

“Sản phẩm được lan tỏa nhiều hơn khi được chứng nhận OCOP 4 sao cuối năm 2022, cùng các sự kiện kết nối thương mại, đã có nhiều người biết đến thương hiệu và lựa chọn sử dụng. Đặc biệt, khi sản phẩm xuất hiện tại các gian hàng quà lưu niệm, khách du lịch đã tìm đến tận cơ sở để kết nối, hợp tác phát triển”, chị Nhi cho hay.

Hiện tại, Công ty TNHH Mỹ Phương Food đã có doanh thu năm đầu tiên trên 10 tỷ đồng. Dự tính năm thứ hai doanh thu sẽ đạt trên 12 tỷ đồng. Đơn vị đang có 45 nhân công địa phương với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người.

Chia sẻ thêm về sản phẩm, chị Nhi cho hay đây là sản phẩm OCOP đầu tiên tại Đà Nẵng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với 7 container cho đơn hàng đầu tiên. Nhìn về những thành công hiện tại, người này cho hay có nhiều yếu tố cấu thành từ bản thân nguyên liệu, giá thành, tính an toàn của sản phẩm và quy trình sản xuất,…

Bánh dừa nướng được bày bán tại siêu thị Nhật Bản, là thị trường quốc tế đầu tiên kết nối với Mỹ Phương Food.

Trong định hướng sắp tới, chị Mai Thị Ý Nhi cho hay sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển các sản phẩm dựa trên nguyên liệu nông sản của địa phương. Đặc biệt, là các sản phẩm theo hướng liên kết vùng, có lợi cho sức khỏe, phục vụ tất cả các đối tượng khách hàng. Song song với đó, Mỹ Phương Food cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận thêm các thị trường châu Âu.

Ngẫm về hành trình khởi nghiệp, chị Nhi cho rằng cần có sự đồng lồng của những cá thể với nhau để tạo nên một thương hiệu bền vững. Ngoài ra, bản thân người khởi nghiệp cũng phải chăm chỉ, thể hiện chí cầu tiến trong mọi hành động, mục tiêu.

“Đặc biệt, sản phẩm khi tạo ra phải mang lại giá trị cho xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho địa phương. Các chủ thể khởi nghiệp cũng cần nắm bắt cơ hội đến với mình, tận dụng sự hỗ trợ của địa phương để xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh. Hơn hết là không bỏ cuộc, hành trình nào cũng sẽ có khó khăn, vượt qua được khó khăn thì quả ngọt sẽ đến với chúng ta”, chị Mai Thị Ý Nhi nói thêm.

Xem thêm: Chia sẻ kinh nghiệm quản trị và điều hành doanh nghiệp

Tuấn Vỹ diendandoanhnghiep.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC