Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Mở đường để đặc sản Cà Mau ra thị trường quốc tế

Trong những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát huy khá tốt hiệu quả trong việc phát triển thị trường trong nước, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt đưa xuất khẩu thủy sản thành mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 1.168 triệu USD. Đến nay, thủy sản Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…

Chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với 39 nhà máy, tổng công suất đạt 185.000 tấn/năm; sản lượng tôm chế biến 03 tháng đầu năm 2020 đạt 26.347 tấn, tăng 11,34% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 15.590 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,609 triệu USD, giảm 17,67% so với cùng kỳ.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của tỉnh giảm mạnh như: Mỹ giảm 66,72%, Trung Quốc giảm 58,38%, Liên bang Nga giảm 37%, … Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm tỷ trọng khoảng 70 – 75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh.

Cà Mau đang quyết liệt triển khai các mô hình sản xuất tôm công nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau đang dẫn đầu cả nước. 

Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 lan nhanh trên diện rộng ở các nước, khiến cho thị trường xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp.

 Mặc khác, việc tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước 6 tháng đầu năm tạm dừng nên các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn khi không có cơ hội xúc tiến xuất khẩu, bị gián đoạn quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài, thiếu thông tin cập nhật về thị trường và khó tìm kiếm khách hàng mới. 

Tôm khô nguyên vỏ Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau). 

Đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu và tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.

Cua Năm Căn (Cà Mau) là sản phẩm thủy sản thuộc thế mạnh và nằm trong nhóm đối tượng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Đây là loại sản phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng, lâu dài cả trong nước và thế giới.

Đồng thời, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến Đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước.

Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị trên tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm xuất khẩu, các đặc sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ hội xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương rà soát thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và thông báo đến các địa phương biết để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc sản bánh phồng tôm Năm Căn (Cà Mau) được làm từ thịt con tôm đất, tôm sú nuôi tự nhiên, hương vị đậm đà, giúp hàng trăm hộ dân làm nghề có thêm nguồn thu nhập khá. 

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới

Ông Quách Văn Ấn –  Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hổ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) – cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hổ trợ doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại số, xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm xuất khẩu tiềm năng bằng hình thức đưa lên website, cổng thông tin điện tử của iPEC, e-marketing thông qua các đầu mối Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tại Việt Nam.

Trung tâm cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm Cà Mau: tôm, cua, bánh phồng tôm, dưa bồn bồn, mật ong, mắm, khô, chuối khô…, trên các phương tiện truyền thông.  Xây dựng sàn thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mật ong nguyên chất vùng U Minh Hạ (Cà Mau) từ lâu đã khẳng định được vị thế thương hiệu và được bán tại siêu thị, nhà hàng…, trên cả nước. 

Ông Ấn cho biết thêm, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống. Đồng thời, kịp thời liên hệ chặt chẽ với Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp danh sách thị trường mục tiêu, mặt hàng có nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của địa phương nhằm nghiên cứu và phát triển thêm các kênh thương mại mới, qua đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lân cận như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan…

Do đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh kết nối, giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước, thúc đẩy phân phối, tiêu thụ sản phẩm của Cà Mau đến người tiêu dùng trong cả nước, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đưa hàng hóa tỉnh Cà Mau vào các kênh phân phối hiện đại, vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và các sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP. 

Chuối khô là nông sản chủ lực của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) được vươn xa trong thời gian tới.

Đặc biệt, Trung tâm cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao kỹ năng tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng thông qua hoạt động tập huấn về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet, giải pháp đưa hàng nông sản vào siêu thị, kỹ năng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, phương pháp tiếp cận hiện đại trong thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm nông, thủy sản. Để góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh nhà.

Xem thêm: Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau giới thiệu sản phẩm xuất khẩu

Trọng Nghĩa ( baophapluat.vn)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC