Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Tin tức du lịch
  • >
  • Mở ra chuyến bay Cà Mau – Hà Nội, du lịch Cà Mau cần làm gì để thu hút du khách đến với địa phương?

Mở ra chuyến bay Cà Mau – Hà Nội, du lịch Cà Mau cần làm gì để thu hút du khách đến với địa phương?

Với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm các hoạt động du lịch đã trở thành thước đo giá trị cuộc sống của mỗi con người. Một trong các nhu cầu về ăn ngon, chỗ ở đẹp, tiện nghi, hiện đại và thoải mái,… thì nhu cầu về khoảng cách vận chuyển đã trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu quyết định chuyến đi của khách du lịch. Nhận thấy được điều này, lãnh đạo địa phương Cà Mau đã tạo điều kiện để mở ra chuyến bay Cà Mau – Hà Nội, kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa 2 miền đất nước. Chuyến bay mở ra là cơ hội cho du lịch Cà Mau chuyển mình phát triển, thu hút nhiều hơn nữa các đối tượng khách du lịch đến với Cà Mau. Vậy Cà Mau có gì để níu chân du khách? Lãnh đạo và địa phương Cà Mau sẽ làm gì để thu hút để thu hút khách du lịch khi đến với Cà Mau.

Hoạt động khai trương chuyến bay Cà Mau – Hà Nội
Hoạt động khai trương chuyến bay Cà Mau – Hà Nội

Trước tiên, nói về tiềm năng phát triển du lịch. Cà Mau với vị thế là vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ Quốc, nơi mỗi người con đất Việt đều mong muốn một lần trong đời được đặt chân đến. Với lợi thế ba mặt giáp biển với hai hệ sinh thái độc đáo của vùng nước ngọt (Vườn Quốc Gia U Minh Hạ), vùng nước mặn (Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau) và nhiều cảnh quang thiên nhiên đặc sắc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường,… Với đặc điểm văn hóa sông nước đã sản sinh ra những sản phẩm du lịch độc đáo như: trải nghiệm du lịch sinh thái khám phá VQG Mũi Cà Mau (tham quan Khu du lịch Đất Mũi, các hộ du lịch cộng đồng Đất Mũi, tuyến du lịch xuyên rừng ngắm bãi bồi,…); VQG U Minh Hạ (trải nghiệm xuyên rừng U Minh, đặt trúm bắt lươn, hái rau rừng, đi ăn ong,…), Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường,… Các làng nghề du lịch độc đáo như nghề làm dưa bồn bồn (huyện Cái Nước), nghề khai thác biển (Thị trấn Sông Đốc), nghề làm mắm ba khía (thị trấn Rạch Gốc), nghề nuôi hàu lồng (Đất Mũi Cà Mau), làm khô bổi (huyện U Minh),… Cà Mau. Ngoài ra, Cà Mau cũng có nhiều địa điểm di tích, văn hóa, tín ngưỡng gắn liền với đời sống của người dân như Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Phật Tổ, Chùa Monivongsa Bopharam, Đền thờ Vua Hùng, Căn cứ tỉnh Ủy Xẻo Đước, Đình Tân Hưng, Bến Vàm Lũng,…. Tất cả các yếu tố về thiên nhiên, văn hóa, tín ngưỡng đã sản sinh ra những người Cà Mau với tính cách hồn hậu, chân chất và mến khách và cho ra đời những tuyệt tác dân gian đặc sắc như chuyện kể Bác Ba Phi, các giai điệu đờn ca tài tử.


Tham quan trải nghiệm du lịch nơi bãi bồi Mũi Cà Mau hàng năm lấn biển từ 80m đến 100m

Từ những nét thu hút về điều kiện cảnh quan, văn hóa và con người thân thiện mến khách. Vấn đề đặt ra là, du lịch Cà Mau làm thế nào để thu hút và giữ chân du khách đến với địa phương. Đây là một việc làm không chỉ riêng của mỗi cá nhân mà đòi hỏi sự chung tay đóng góp của toàn xã hội. Trong thời gian qua Cà Mau đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và đưa ra những giải pháp tối ưu để thu hút du khách với một số hoạt động cụ thể như Tổ chức Họp mặt doanh nghiệp du lịch định kỳ tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Tổ chức hoạt động Cafe doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch. Qua các hoạt động nêu trên, Cà Mau đã đưa ra một số giải pháp để phát triển du lịch địa phương.


Mũi Cà Mau – Điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Cà Mau

Cà Mau cần phát triển các hoạt động du lịch đa dạng bằng cách tạo ra một loạt các hoạt động du lịch hấp dẫn để khách du lịch có nhiều điều thú vị để trải nghiệm trong thời gian dài như đạp xe đạp quanh Khu du lịch Mũi Cà Mau, chèo xuồng xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hoạt động trồng cây gây rừng; Ngắm thú đêm, tổ chức hoạt động trưng bày và giới thiệu về ong tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Khai thác sản phẩm trải nghiệm trên các đảo gần bờ như Hòn Khoai, Hòn Chuối; Thiết kế thêm nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm tại Đầm Thị Tường;… Qua đó phát triển và tạo ra các gói tour du lịch hấp dẫn và linh hoạt, bao gồm cả các hoạt động và trải nghiệm đa dạng trong khu vực. Điều này giúp khách du lịch có thể dễ dàng lựa chọn và tận hưởng nhiều hoạt động khác nhau trong thời gian dài.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cần được mở rộng đường xá, cầu đường đáp ứng đủ tải trọng tạo điều kiện cho các xe du lịch lớn có thể đến với các điểm du lịch như Hòn Đá Bạc, Mười Ngọt, Đầm Thị Tường. Anh Phan Văn Mến – Hợp tác xã khai thác du lịch tại Đầm Thị Tường chia sẻ “Hiện nhiều xe lớn 45 chỗ không thể lưu thông đến với Đầm do hạn chế về tải trọng, địa phương cần có những phương án mở mang đường sá để phát triển sản phẩm du lịch trên tuyến Cà Mau – Đầm Thị Tường – Sông Đốc”. Nhiều doanh nghiệp lữ hành như Cty Đất Mũi Xanh, Bến Thành Tourist Văn phòng đại diện tỉnh Cà Mau cũng phản ánh gặp khó khăn khi đưa khách vào tham quan tại Khu Du lịch Hòn Đá Bạc, do xe 45 chỗ không đến được với Hòn, xe trung chuyển để đưa khách vào ngay tại cống Kinh Hòn cũng không có. Ngoài ra, địa phương cũng cần kêu gọi đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch. Hiện các các nhà hàng, khách sạn lớn chỉ tập trung xung quanh khu vực thành phố Cà Mau,… các điểm du lịch cơ sở lưu trú không có hoặc có nhưng không đáp ứng được nhu cầu qua đêm của khách du lịch từ số lượng đến chất lượng.


Họp mặt doanh nghiệp du lịch tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Tăng cường hoạt động quảng bá và tiếp thị để nâng cao nhận thức về Cà Mau và các điểm đến du lịch của nó. Sử dụng các kênh truyền thông xã hội, website du lịch, tạp chí du lịch và các sự kiện quảng bá để thu hút sự chú ý của khách du lịch. Hiện hoạt động quảng bá du lịch tập trung vào các cơ quan xúc tiến và quản lý nhà nước của địa phương. Các điểm đến, đơn vị kinh doanh du lịch chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh của du lịch cá nhân, khách du lịch khó lòng tiếp cận trên các trang mạng xã hội mà chủ yếu biết đến từ các kênh giới thiệu của người quen hoặc đã trải nghiệm trước đó. Sắp tới Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) sẽ tổ chức lớp tập huấn Ứng dụng Công nghệ thông tin trong tuyên truyền và quảng bá du lịch Cà Mau, đây sẽ là một trong những cơ hội giúp các doanh nghiệp du lịch Cà Mau nâng cao chất lượng tuyên truyền và quảng bá theo hướng tiếp cận Công nghệ thông tin hiện đại.

Xây dựng môi trường, mối quan hệ với các đối tác du lịch. Hợp tác với các công ty du lịch, đại lý du lịch và các tổ chức liên quan khác để tăng cường quảng bá và tiếp thị đến khách hàng tiềm năng. Điều này có thể bao gồm việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc ưu đãi đặc biệt cho khách du lịch lưu trú lâu hơn. Hoạt động Họp mặt doanh nghiệp du lịch định kỳ cũng là một trong những điều kiện đến các công ty du lịch lữ hành và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có cơ hội để tiếp cận, trao đổi và hợp tác góp phần phát triển sản phẩm du lịch của mỗi đơn vị.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đang trao đổi với các doanh nghiệp du lịch tại hoạt động Cafe sáng thứ bảy ngày 30.6.2023 tại Không gian Khởi nghiệp Cà Mau

Hàng năm, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) đều có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nguồn nhân lực du lịch của địa phương với đa dạng về hình thức và nội dung. Các lớp tập huấn cụ thể như Nghiệp vụ thuyết minh du lịch địa phương tại Đất Mũi; Nghiệp vụ phục vụ bàn; Phát triển du lịch Nông Nghiệp, Marketing Điểm đến du lịch Cà Mau; Xây dựng mô hình du lịch Farmstay, Homestay theo hướng trải nghiệm thực tế tại Đà Lạt;….. Qua trao đổi, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao về chất lượng các khóa tập huấn, song góp ý thêm cần hỗ trợ đào tạo tập huấn riêng cho mỗi doanh nghiệp, điểm đến,… để đảm bảo tất cả các nhân viên đều có cơ hội để tiếp cận học tập. Việc tập huấn đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, theo kế hoạch cụ thể theo nhu cầu cần thiết của địa phương.

Thông qua các giải pháp nêu trên, tại hoạt động Cafe ngày 30/6/2023 giữa lãnh đạo và doanh nghiệp du lịch địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đã kết luận và chỉ đạo như sau: UBND huyện U Minh và VQG U Minh Hạ hoàn thiện các tuyến đường nối thông tuyến đảm bảo phục vụ (đường nhựa T23, tuyến đường dọc kênh T19, nối hướng đi Đá Bạc, VQG Mũi Cà Mau) theo như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, đề xuất chọn Slogan về du lịch, tóm tắt các nội dung quy tắc ứng xử về du lịch để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; Xây dựng Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch hàng năm; Nghiên cứu thành lập Hiệp hội du lịch Cà Mau; UBND các huyện, thành phố Cà Mau nghiên cứu, triển khai các mô hình du lịch về đêm phù hợp với điều kiện và lợi thế của địa phương.

Với sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và người dân làm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang từng bước hoàn thiện và nâng chất sản phẩm du lịch của mỗi đơn vị nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng khách du lịch khi đến với địa phương.

Xem thêm: Khám phá, trải nghiệm du lịch ở Cà Mau

Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC