Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Tin tức đầu tư
  • >
  • Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)-Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Cà Mau

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)-Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Cà Mau

Ngày 02/6/2026, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị kiểm điểm, đánh giá kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau năm 2022. Hội nghị đã thảo luận các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số này những năm tiếp theo để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng của địa phương. Dưới đây là những nhận định cá nhân trên cơ sở tổng hợp ý kiến phát biểu của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, chuyên gia từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đơn vị xây dựng thực hiện khảo sát PCI Việt Nam.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index – PCI) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng, thống kê và đánh giá hàng năm từ năm 2006. PCI của tỉnh Cà Mau năm 2022 chỉ đạt 61,60 điểm, xếp hạng 58/63 (giảm 3,14 điểm và giảm 26 hạng so với năm 2021) Hình 1. Trong những năm gần đây, điểm số PCI của tỉnh Cà Mau đều tăng nhẹ và cải thiện vị trí xếp hạng. Tuy nhiên kết quả năm 2022 có sự sụt giảm sâu, do đó ngay sau khi VCCI công bố kết quả trên, tỉnh Cà Mau đã tiến hành nhiều phiên họp để rà soát các vấn đề có liên quan đến nguyên nhân và giải pháp đối với chỉ số này.

Hình 1. Biểu đồ điểm số và xếp hạng PCI hàng năm của tỉnh Cà Mau từ năm 2006 đến năm 2022 (nguồn dữ liệu: pcivietnam.vn). Điểm số giảm thấp nhưng thứ hạng giảm sâu là minh chứng cho việc nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có sự gia tăng mạnh về điểm số để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Hình 1. Biểu đồ điểm số và xếp hạng PCI hàng năm của tỉnh Cà Mau từ năm 2006 đến năm 2022 (nguồn dữ liệu: pcivietnam.vn). Điểm số giảm thấp nhưng thứ hạng giảm sâu là minh chứng cho việc nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có sự gia tăng mạnh về điểm số để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Để có được điểm số PCI năm 2022, VCCI đã khảo sát trực tuyến 11.872 doanh nghiệp trong cả nước, bao gồm 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 10.590 doanh nghiệp trong nước. Kết quả PCI tỉnh Cà Mau năm 2022 như trên được VCCI khảo sát đối với 883 doanh nghiệp (trong tổng số hơn 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh). Tuy nhiên chỉ có 120 doanh nghiệp phản hồi. Cụ thể là 90 doanh nghiệp tư nhân, 30 doanh nghiệp tư nhân mới thành lập trong 02 năm qua (nhằm đánh giá các thủ tục gia nhập thị trường từ góc nhìn của các doanh nghiệp trẻ) và 0 doanh nghiệp FDI. Theo đó tỉ lệ phản hồi của doanh nghiệp được khảo sát vào khoảng dưới 15%. Với tỉ lệ phản hồi thấp sẽ phần nào làm giảm độ chính xác, độ tin cậy của dữ liệu và cách thức khảo sát đã được thực hiện. Tỉ lệ phản hồi thấp có thể có nhiêu nguyên nhân chủ và và khách quan khác nhau. Tuy nhiên qua đó vấn đề được quan tâm hiện nay là chỉ có những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động mới tham gia trả lời khi được khảo sát; hay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít quan tâm đến chỉ số PCI.

Mặc dù ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau phản hồi khi được khảo sát để cung cấp thông tin; tuy nhiên rõ ràng rằng chất lượng điều hành phát triển kinh tế của chính quyền cấp tỉnh Cà Mau còn một số hạn chế ở một số vấn đề thuộc 6/10 chỉ số thành phần: Tiếp cận đất đai; chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước; đào tạo lao động; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí không chính thức. Sáu chỉ số thành phần này của tỉnh Cà Mau có điểm số thấp hơn điểm số trung bình của cả nước

(Hình 2). Theo báo cáo của Chuyên gia Dự án PCI – ông Trương Đức Trọng – Ban Pháp chế VCCI, khi được khảo sát về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, có hơn 60% doanh nghiệp phản hồi đồng ý với nhận định thời gian xác định giá đất quá lâu và thời gian giải quyết dài hơn quy định pháp của pháp luật (Hình 3). Đồng thời, ông Trương Đức Trọng xác định một số hạn chế khác bao gồm: Mức độ cải thiện không đồng đều, một số lĩnh vực như thuế, đất đai vẫn tồn tại nhiều phiền hà cho doanh nghiệp; Việc mở rộng mặt bằng kinh doanh cũng đối diện những trở ngại; Gánh nặng thanh tra kiểm tra khá đáng kể, đặc biệt là thanh tra xây dựng; Nhiều loại thông tin, tài liệu quy hoạch khá khó tiếp cận nếu không có mối quan hệ; Cần lưu ý cải thiện chất lượng Cổng thông tin của địa phương; Tỷ lệ doanh nghiệp thụ hưởng các chương trình hỗ trợ vẫn khá thấp; Tuyển dụng lao động tại địa phương khá khó khăn, đặc biệt là lao động chất lượng cao (trích Báo cáo của ông Trương Đức Trọng tại Hội nghị ngày 02/6/2023).


Hình 2. Biểu đồ điểm số 10 chỉ số thành phần tạo nên PCI của tỉnh Cà Mau trong năm 2022 so sánh với điểm số trung bình của cả nước. 6/10 chỉ số thành phần của PCI Cà Mau có điểm số thấp hơn điểm số trung bình của cả nước

Ngoài hạn chế nêu trên, theo ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế VCCI (Giám đốc dự án PCI), và ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ xác định nhân tố chính tạo nên sự khác biệt về điểm số PCI và môi trường đầu tư và kinh doanh giữa các địa phương là do yếu tố nhân sự trong hệ thống chính quyền địa phương vì hệ thống văn bản pháp luật là như nhau ở tất cả các tỉnh, thành. Ngoài ra, nguyên nhân giảm điểm số PCI của tỉnh Cà Mau là do trong năm 2022 có sự thay đổi phương pháp luận và trọng số các chỉ số thành phần vốn là điểm nổi bật của tỉnh Cà Mau. Đồng thời, nguyên nhân tiếp theo được xác định là hạn chế về công tác truyền thông đến doanh nghiệp. Mặc dù tỉnh Cà Mau rất quan tâm đến các hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp … tuy nhiên hạn chế trong công tác truyền thông các nội dung này đến doanh nghiệp; theo đó sự thấu hiểu và hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương còn hạn chế.


Hình 3. Tỉ lệ phần trăm doanh nhiệp đồng ý với các câu hỏi về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai. Có hơn 60% doanh nghiệp phản hồi đồng ý với nhận định thời gian xác định giá đất quá lâu và thời gian giải quyết dài hơn quy định pháp của pháp luật

Tại hội nghị ngày 02/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ông Huỳnh Quốc Việt đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan thẳng thắn nhìn nhận và kiểm điểm nghiêm túc những hạn chế, khuyết điểm thuộc lĩnh vực phụ trách. Đồng thời; tăng cường công tác truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để từng người dân, doanh nghiệp hiểu và cùng thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Đức Thánh nhấn mạnh tỉnh Cà Mau sẽ chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần chiếm trọng số cao trong tính điểm PCI, gồm các chỉ số đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tính minh bạch. Phấn đấu cải thiện 77/142 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực để tăng hạng và đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023.


Hình 4. Hội nghị thảo luận các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp diễn ra vào ngày 02/6/2023. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh (chủ trì hội ghị), lãnh đạo sở ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo UBND huyện thành phố Cà Mau, đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chuyên gia đại diện VCCI (đơn vị thực hiện dự án PCI).

Để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, từ kết quả khảo sát PCI ông Trương Đức Trọng đề xuất tỉnh Cà Mau thực hiện các giải pháp: (1) Duy trì cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng các kế hoạch hành động. Nhất quán trong những hoạt động cải cách chất lượng điều hành kinh tế; (2) Nâng cao chất lượng lao động, có các giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghề và chất lượng giáo dục đào tạo nói chung tại địa phương; (3) Giảm thiểu phiền hà thủ tục hành chính, xây dựng các chương trình cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện, PCCC, thanh tra thuế, thanh tra xây dựng; tháo gỡ khó khăn về đất đai; (4) Giảm thiểu chi phí không chính thức, tăng cường đánh giá cán bộ, thúc đẩy tính liêm chính; lưu ý giảm chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực như thanh tra xây dựng hay PCCC; (5) Thực thi Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất; tháo gỡ các khó khăn trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; (6) Đối thoại và cung cấp thông tin, đối thoại chuyên sâu theo ngành nghề, địa bàn; thực hiện định kỳ; đa dạng các hình thức lấy ý kiến; phản hồi câu hỏi của doanh nghiệp nhanh chóng hơn.

Với vai trò cá nhân là chuyên viên xúc tiến đầu tư và thương mại, xét thấy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI có thể lượng hóa một phần về môi trường kinh doanh của địa phương. PCI có thể chỉ là một thông số phụ để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo trước khi chọn địa bàn thực hiện dự án đầu tư hay thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh tại một địa phương cụ thể. Theo đó, tỉnh Cà Mau ngoài việc có những hành động cụ thể để nâng cao điểm số của 10 chỉ số thành phần nêu trên, tỉnh Cà Mau cần tranh thủ các điểm nổi bật, lợi thế của địa phương mời gọi đầu tư, thu hút FDI (nhanh chóng hoàn thiện các công tác chuẩn bị để mời gọi đầu tư, đấu thầu dự án,…), đào tạo và sử dụng đúng nguồn nhân lực, hỗ trợ và thành lập doanh nhiệp mới, phát triển sản phẩm mới, đa dạng hàng hóa, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại, gia hóa nguồn giống thủy sản, phát triển thị trường cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh như các địa phương khác đang thực hiện. PCI của tỉnh Kiên Giang có điểm số không cao nhưng việc thu hút đầu tư, kể cả thu hút đầu tư FDI và số lượng doanh nghiệp thành lập mới luôn thuộc top đầu trong khu vực. Tin rằng trong tương lai gần, tỉnh Cà Mau có thể khắc phục những hạn chế vị trí địa lý như xa trung tâm kinh tế lớn như TP. HCM, TP. Cần Thơ thông qua thu hút đầu tư đường cao tốc, mở rộng hay sân cấp sân bay, xây dựng bến cảng. Tỉnh Cà Mau có thể phát huy được lợi thế rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh nhờ vào tài nguyên rừng tự nhiên và đất ngập nước và ngư trường rộng lớn.

Xem thêm: Gợi mở hai phương án ‘nâng đời’ sân bay Cà Mau lên cấp 4C

Phúc Ngươn

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC