Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Nặng lòng với đất – Bài cuối: Đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp

Trong quá trình thực hiện loạt bài viết về chương trình khởi nghiệp ở Cà Mau, phóng viên báo Cà Mau có cuộc phỏng vấn ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) về một số nội dung xoay quanh nỗ lực và chủ trương của tỉnh nhà trong hỗ trợ khởi nghiệp.

– Xin ông cho biết một số thông tin cơ bản về iPEC Cà Mau?

Ông Triệu Thanh Tuấn: iPEC Cà Mau (Ca Mau Investment Promotion and Enterprise Support Center) có chức năng tư vấn, hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp; quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh. Là đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, chịu sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo tỉnh Cà Mau. iPEC được thành lập theo Quyết định số 513/QĐ-UBND, ngày 28/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh.

iPEC là đầu mối phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức, tư vấn thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh. iPEC đi vào hoạt động có tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Hiện nay, iPEC Cà Mau là thành viên của Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến vùng ĐBSCL (CLB Mekong PC) và cũng là thành viên của Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (MSN). Tham gia các câu lạc bộ trên, iPEC đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên câu lạc bộ; đặc biệt là sự hỗ trợ từ VCCI Chi nhánh Cần Thơ trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và khởi nghiệp. 

Đến nay, iPEC đã cải tạo, sửa chữa trụ sở cũ tại số 28, Phan Ngọc Hiển, Phường 2, TP Cà Mau, thành khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Khu làm việc chung sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về cơ sở vật chất dùng chung, không gian làm việc chung, khu trưng bày và bán các sản phẩm khởi nghiệp, cà phê khởi nghiệp, nơi tổ chức các sự kiện khởi nghiệp, nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ, như Câu lạc bộ khởi nghiệp, Câu lạc bộ du học sinh Cà Mau…

Sản phẩm đặc trưng của Cà Mau đang được quảng bá, trưng bày bằng nhiều kênh, trong đó vai trò xúc tiến rất quan trọng của iPEC. Ảnh: P.PHÚ

– Ông có thể thống kê một số kết quả nổi bật từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại?

Ông Triệu Thanh Tuấn: Tính từ năm 2019 đến nay, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh đã ban hành 4 kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cũng như nội dung chính của các kế hoạch này là từng bước hoàn thiện các thành phần còn thiếu trong hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng người trẻ Cà Mau. Đặc biệt là hỗ trợ bước đầu cho các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng và phát triển. Một số kết quả nổi bật của chương trình khởi nghiệp trong thời gian qua như sau:

Về tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau”: Trong năm 2020 và 2021, iPEC đã phối hợp với VCCI Cần Thơ tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp tại tỉnh Cà Mau. Đây là cuộc thi có quy mô khu vực ĐBSCL, các dự án đoạt giải tại cuộc thi ở Cà Mau sẽ được vào thẳng vòng chung kết cuộc thi cấp khu vực ĐBSCL do VCCI Cần Thơ tổ chức. Kết quả, tỉnh Cà Mau đoạt giải Nhất 2 năm liên tiếp với các dự án “Ba khía Đầm Dơi” năm 2020 và dự án “HALOFAI – Hương vị từ đất mặn” năm 2021.

Về hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho 10 dự án khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng và phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh. Các dự án này do Hội đồng tuyển chọn từ hàng trăm dự án tham gia chương trình. Đây là nguồn vốn hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dự án khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ của mình, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm dễ dàng tiếp cận với khách hàng, giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn.

Về tổ chức các sự kiện, hoạt động đào tạo, tập huấn, đến nay iPEC đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng chục lớp tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh cho các đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, tại Không gian làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, iPEC đã tổ chức hơn 50 chương trình, sự kiện, như iPEC Talk Show, sinh hoạt chuyên đề… tạo điều kiện cho gần 10 CLB sinh hoạt tại Không gian như: CLB Du học sinh, CLB Khởi nghiệp (có hơn 100 thành viên), CLB Tư duy phản biện, CLB 69 Music Town, CLB UNESCO Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Cà Mau, CLB Sách và hành động, CLB cây kiểng Cà Mau, CLB Hoạt động xã hội túi thần kỳ… Các hoạt động đã góp phần nâng cao kiến thức, truyền thông cho phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, iPEC đã hỗ trợ cho 14 doanh nghiệp đặt trụ sở làm việc và gắn biển tên công ty tại toà nhà Không gian làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, như Công ty TNHH XNK Thuỷ sản AB, Công TNHH MECA, cơ sở Bảy Hoàng, HTX Ba khía Đầm Dơi, Công ty TNHH Dư Thái Bình, Hoài An Flower… hỗ trợ gần 150 sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp trưng bày tại Không gian khởi nghiệp, trở thành địa điểm thu hút đông đảo các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đến học tập, thực hành cũng như tìm kiếm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp tại Cà Mau, từ đó tạo được sân chơi cho các bạn trẻ, kích thích tinh thần khởi nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, iPEC phối hợp tổ chức các đoàn tham gia hội chợ khởi nghiệp, các chợ phiên khởi nghiệp giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá, tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2021” do iPEC phối hợp với VCCI Chi nhánh Cần Thơ, Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân cùng với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh tổ chức đã thu hút gần 70 ý tưởng, dự án tham gia đến từ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Ảnh: BĂNG THANH 

– Những khó khăn trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay tại Cà Mau là gì, thưa ông?

Ông Triệu Thanh Tuấn: Hiện nay có 5 đề án hỗ trợ khởi nghiệp đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, dẫn đến phân tán các nguồn lực hỗ trợ và chưa thống nhất trong phương pháp triển khai thực hiện.

Mặt khác, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh chưa hoàn thiện, còn thiếu nhiều thành phần quan trọng (thiếu vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp đúng nghĩa; thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn mentor; thiếu quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; nhà đầu tư; cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước…), số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp còn ít và quy mô nhỏ.

Doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận và thuê đất (diện tích nhỏ) tại các khu công nghiệp để xây dựng xưởng sản xuất, chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi. Cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính cho khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh.

Một nguyên nhân khách quan khác là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh Cà Mau.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp theo quy trình, các tiêu chí của Đề án 844/QĐ-TTg về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Nếu xét theo các tiêu chí của đề án này thì Cà Mau gần như không có hoặc có rất ít dự án có thể nhận được hỗ trợ. Đây cũng là một khó khăn rất lớn nếu như tỉnh không có một cơ chế, chính sách phù hợp với đại đa số các doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Do đó, để chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh đạt được hiệu quả như mong muốn, trong thời gian tới chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên. Trong đó, ưu tiên xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương.

Hỗ trợ Chung kết cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2021”

iPEC Talk Show được tổ chức tại Toà nhà Không gian khởi nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Ảnh: BĂNG THANH 

– Xin ông cho biết, làm thế nào để các cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp có thể tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cũng như nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh?

Ông Triệu Thanh Tuấn: iPEC vừa làm thành viên và tổ chuyên viên giúp việc được Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp giao tham mưu thực hiện nhiều nội dung trong kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp hàng năm; đặc biệt là các nội dung khá quan trọng như tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, tổ chức hội đồng xét duyệt và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh… Các tổ chức, cá nhân muốn tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh có thể liên hệ trực tiếp với iPEC thông qua các kênh, như Website, Fanpage… Ngoài ra, iPEC phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập 14 tổ chức là bộ phận đầu mối tư vấn, hỗ trợ, tiếp nhận các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân ở tất cả 8 huyện và TP Cà Mau. Ngoài ra, iPEC đã thành lập 1 câu lạc bộ khởi nghiệp với hơn 100 thành viên đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là các kênh mà các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận để nắm bắt các thông tin và có thể nhận hỗ trợ, tư vấn tham gia các chương trình, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.  

– Xin cảm ơn ông!

Xem thêm: Hoàn thiện chính sách hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Phong Phú baocamau.com.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC