Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Độc đáo nghề gác kèo ong ở rừng quốc gia U Minh Hạ

Dựa vào kinh nghiệm để đánh giá thời điểm “ăn ong”: Khi thấy tổ ong bít kín không còn lỗ nào thì có thể lấy mật hoặc sau khi gác kèo khoảng 20 ngày. Những kèo không có ong thì kiểm tra lại trảng, ánh sáng, hướng gió,… để điều chỉnh cho hợp lý.

Một tổ ong lấy được 3 – 4 lần

Nguồn gốc cái tên “ăn ong” là do người thợ khi lấy mật ở tổ ong thường ăn thưởng thức ngay một phần mật và tàng ong non như tự thưởng cho mình vì ăn ngay trong rừng bao giờ cũng ngon hơn khi đem về nhà, đồng thời đây cũng là cách để người thợ thẩm định chất lượng của mật. “Ăn ong” vào thời gian nào trong ngày cũng được, tuy nhiên tốt nhất vào sáng sớm (5 đến 8 giờ) vì ít gió, còn sương đêm nên khó bắt lửa, ít rủi ro cháy rừng. Để lấy mật, người thợ phải mang theo bình phun khói hoặc đuốc con cúi bằng xơ dừa, quần dài, áo dài tay, lưới trùm đầu, bao tay, dao (bằng inox hoặc tre), thau, thùng chứa mật,… Họ đi đến tổ ong, thổi khói từ phía trên gió cho ong bay đi, dùng dao cắt phần mật, tách phần mật ra khỏi phần tàng, rồi cắt bớt phần tàng có màu đen, chỉ chừa lại một phần tàng thường khoảng 1/3 tổ để ong làm tổ mới. Vì tập quán của con ong là khi lớn lên sẽ tách đàn làm tổ ong mới tiếp tục cho mật. Các thao tác trên được tiến hành nhanh gọn trong khoảng 2 đến 3 phút. Một tổ ong nếu biết cách lấy mật sẽ lấy được 3 đến 4 lần, nếu không biết cách chỉ lấy một lần là ong bỏ đi. Mỗi tổ ong trung bình cho khoảng 3-5 lít mật, có tổ cho đến 10 lít. Vào mùa khô mật ong nhiều và chất lượng tốt hơn mùa mưa, vì mùa mưa ong sinh con ít làm mật và lượng nước trong mật nhiều.

Nghề gác kèo ong đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và cũng chứa đựng không ít rủi ro
Nghề gác kèo ong đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và cũng chứa đựng không ít rủi ro

Trong quá trình ăn ong, khi bị ong đánh (đốt, chích) phải chạy ngược hướng gió. Việc bị ong đốt là chuyện thường xảy ra, có lúc gặp rắn độc, heo rừng thì tùy trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. Vì thế, mỗi nhóm ăn ong thường có từ 3 người trở lên để hỗ trợ nhau. Sau khi cắt lấy tàng ong ra khỏi tổ thì vắt hoặc ép lấy mật. Mật ong được trữ trong các bình bằng thủy tinh màu tối là tốt nhất, để nơi thoáng mát tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Không nên lược hoặc vớt hết phần sáp ong nổi trên mặt vì như vậy mật ong sẽ dễ bị chua. Mật ong thu hoạch vào mùa khô có thể để được 3 năm, mùa mưa thì thời gian để ngắn hơn, để lâu bị bọt vì lượng nước trong mật nhiều…

Nghề gác kèo ong: nguồn lợi kinh tế, sản phẩm du lịch

Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản riêng của đất Cà Mau và nổi tiếng với chất lượng tốt nhất không nơi nào sánh được. Theo đó, chỉ có loài ong hút mật hoa tràm trắng vàng mới có thể cho loại mật màu vàng trong vắt với mùi hương hoa tràm dịu nhẹ và vị ngọt tinh khiết như mật ong rừng U Minh Hạ. Vì vậy, mật ong rừng U Minh Hạ được đa số người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay nghề gác kèo ong được tỉnh tổ chức thành 2 hợp tác xã (HTX) nghề: HTX 19/5 và HTX Vồ Dơi. Xưa kia, khi rừng U Minh Hạ còn rộng lớn, trữ lượng mật ong rất nhiều, hàng năm trên 1.000 tấn. Tuy nhiên hiện nay, diện tích rừng U Minh Hạ ngày càng thu hẹp nên sản lượng mật ong cũng theo đó giảm xuống. Sản lượng của 2 HTX hiện nay đạt khoảng 4.500 lít/năm (tương đương 5,5 tấn/năm).

Tàng ong sau khi lấy ra khỏi tổ sẽ vắt hoặc ép lấy mật
Tàng ong sau khi lấy ra khỏi tổ sẽ vắt hoặc ép lấy mật

Gác kèo ong là nghề đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ, thể hiện rõ nét nhất những dấu ấn của các bậc tiền nhân. Họ đã để lại cho đời một nghề nghiệp hết sức độc đáo, để lại cho con cháu một sản phẩm tinh thần đặc sắc, đó là những kinh nghiệm, tri thức quý báu được tích lũy từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện tính sáng tạo và thích nghi với môi trường trong quá trình khai hoang mở cõi.

Nghề gác kèo ong không chỉ có giá trị về kinh tế, là nguồn thu nhập nuôi sống bao gia đình bao thế hệ mà còn là nghề mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, có sức sống bền bỉ, gắn chặt với rừng tràm và tồn tại hàng trăm năm qua. Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức thực hành để phục vụ du khách. Công việc gác kèo ong tưởng chừng nhẹ nhàng thú vị nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro như bị ong đốt, kiến cắn, rắn rết và nhiều mối hiểm nguy khác từ chốn rừng thiêng nước độc. Đây là nghề cha truyền con nối nên không phải ai làm cũng được. Người gác kèo giỏi cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và bí quyết gia truyền. Nghề gác kèo mang đến cho đời nhiều mật ngọt và sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân lão luyện, có kinh nghiệm và tri thức, tâm huyết với nghề, yêu rừng và đàn ong.

Xem thêm: Văn hóa sông nước Cà Mau trong phát triển du lịch

Anh Huy – Nhật Nam ( Nguồn: hcmcpv.org.vn )

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC