Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Những “địa chỉ đỏ” ở Năm Căn

Kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng các công trình tưởng niệm; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, các tượng đài, bia tưởng niệm… Trong đó, huyện Năm Căn là địa phương có nhiều công trình mang tầm cỡ cấp tỉnh, cấp quốc gia: Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai, Bia Nhiếp ảnh – Điện ảnh Tây Nam Bộ và Di tích lịch sử địa điểm trận chiến thắng Bến Dựa. Đây là những công trình, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ Cà Mau và là điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn du khách.

“Tượng đài sáng mãi truyền thống anh hùng” 

Lễ khánh thành tượng đài khởi nghĩa Hòn Khoai
Lãnh đạo tỉnh và đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình trùng tu Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai, ngày 25/7.

Khởi công xây dựng ngày 13/12/1990 và được trùng tu khánh thành ngày 25/7 vừa qua, Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai (tại Khóm 1, thị trấn Năm Căn) được ca ngợi là “Tượng đài sáng mãi truyền thống anh hùng”. Công trình có diện tích xây dựng 1.075m2 với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Bệ đài, con tàu, thân đài; nhóm tượng 3 nhân vật; nền bệ đài; bậc cấp, ram dốc; bồn hoa, cây xanh; lan can, đường xung quanh tượng đài và nhiều công trình văn hóa như nhà hương niệm, nhà thiếu nhi, thư viện, sân bóng, vườn hoa, cây cảnh, đường đi bộ… Công trình thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Năm Căn nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây còn là công trình văn hóa truyền thống thể hiện tình cảm và trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với những người đi trước.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ

Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ.

Năm 2001, Bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được xây dựng tại địa bàn xã Hàm Rồng; đến năm 2009, Bộ Tài chính quyết định nâng cấp, cải tạo công trình. Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích Quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955) tỉnh Cà Mau, bao gồm 25 địa điểm, trong đó có Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng.

Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ gồm có tượng đài kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ và nhà truyền thống trưng bày các hình ảnh, hiện vật về chặng đường của Ban Ấn loát Nam Bộ gắn liền với chiến khu U Minh và rừng đước Năm Căn; vườn cây, sân, hàng rào, hệ thống chiếu sáng, bờ kè, vỉa hè và đường nối từ lộ Hàng Dương đến tận sông Bảy Háp. Bia tái hiện lịch sử bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc với hình tượng bia chính, thể hiện biểu trưng của ngọn đuốc soi đường cách mạng, bằng hình ảnh tờ giấy in tiền cuộn lại thành nhiều lớp, mặt chính đồng tiền đưa ra chính diện có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm giữa ngôi sao Tổ quốc cùng hoa văn và nội dung lịch sử. Trong quần thể di tích có công trình bia ghi danh 59 liệt sĩ là những người con của xã Hàm Rồng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Bia Nhiếp ảnh – Điện ảnh Tây Nam Bộ

Khánh thành bia lưu niệm nhiếp ảnh- điện ảnh Tây Nam Bộ - Vĩnh Long Online
Bia Nhiếp ảnh – Điện ảnh Tây Nam Bộ.

Bia đặt tại xã Hàm Rồng, do tác giả Trần Thanh Phong (con của Nhiếp ảnh gia Trần Bình Khuol) điêu khắc, để lưu danh những đồng nghiệp đã ngã xuống. Bia gồm nhóm tượng 3 nhân vật biểu tượng chính của cơ quan nhiếp ảnh và điện ảnh, họ như những người chiến sĩ, vũ khí của họ là máy ảnh, máy quay và máy chiếu. Hình tượng sóng nước, xuồng 3 lá, cánh rừng đước và những lá dừa luôn che chở đùm bọc những người yêu nước. Phù điêu phía sau mô tả hứng nước mưa từ thân cây đước, cảnh tráng phim và chiếu phim kiểm tra khi in tráng xong dưới tán rừng đước. Tất cả tạo thành một khối vững chắc sừng sững.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm trận chiến thắng Bến Dựa

Tự hào trận chiến thắng Bến Dựa
Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm trận chiến thắng Bến Dựa.

Di tích có diện tích 2.094,5m² thuộc Ấp 5, xã Hiệp Tùng. Ngày 11/11/1959, Đại đội 1002 và 1003 của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở đang chuẩn bị phục kích đoàn tàu chở than của Trần Lệ Xuân trên kinh xáng Hàm Rồng, đã khẩn trương, bí mật hành quân về Bến Dựa phục kích tiêu diệt địch gọn nhất, lớn nhất và thu nhiều vũ khí nhất trong phong trào đồng khởi ở Cà Mau. Chiến thắng Bến Dựa đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào nổi dậy của nhân dân Đất Mũi trong những ngày đồng khởi, là chiến công tô thắm thêm truyền thống trung dũng, kiên cường của quân, dân Cà Mau.

Hằng năm, vào các ngày lễ lớn, Đảng bộ, nhân dân địa phương và các cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn Ngô Văn Sở tổ chức đến dâng hương tại nhà tưởng niệm, cũng là dịp các chiến sĩ tham gia trận đánh Bến Dựa họp mặt đồng đội, đồng chí, ôn lại truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở oanh liệt năm xưa.

Phát biểu tại lễ khánh thành Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Trần Hồng Quân mong các tầng lớp nhân dân, chính quyền huyện Năm Căn và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm gìn giữ, bảo quản, tôn tạo các di tích trở thành điểm đến của lòng tri ân, là khoảng lặng để chúng ta hướng về nguồn cội và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ Cà Mau, giúp tuổi trẻ rèn luyện lý tưởng, phẩm chất cách mạng, sự sáng tạo trong học tập, lao động để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Xem thêm: Độc đáo nghề gác kèo ong ở rừng quốc gia U Minh Hạ

HUỲNH LÂM

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC