Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được phát triển vào năm 2003, trong đó diện tích tổng tự nhiên của vườn là gần 42.000 hecta. Vườn quốc gia nằm trên địa bàn giao giữa hai vùng huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển. Vườn được phát triển và thành lập theo quyết định của chính phủ số 142/2003/QĐ-TTG, được phê duyệt và thông qua vào ngày 14 tháng 7 năm 2003 dựa trên việc nâng cấp lại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi, vốn đã được phê duyệt từ năm 1986.

Vào ngày 26 tháng 5 năm 2009, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới do UNESCO công bố. Hơn nữa, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn được công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và đứng thứ 2.088 trên thế giới theo công ước Ramsar về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới.

Vị trí địa lý

Cách thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) hơn 100km, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, với 3 mặt giáp biển, là nơi giao nhau giữa vùng biển phía tây và phía đông, chịu ảnh hưởng của cả hai dòng thủy triều đông và tây. Cứ mỗi năm, khu vực bồi đắp của vườn lại lấn ra biển thêm vài chục mét, từ đó tạo điều kiện cho hàng trăm loài động vật có cơ hội được phát triển tại đây.

Tổng diện tích đất của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vào khoảng 41.862 hecta. Trong đó, khoảng 15.262 hecta là diện tích vùng đất liền; còn lại 26.600 hecta là diện tích vùng ven biển tiếp xúc với đất liền; được chia thành 4 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.203 ha), phân khu phục hồi sinh thái (2.859 ha), phân khu hành chính – dịch vụ (200 ha), phân khu bảo tồn biển (26.600 ha).

Hệ sinh thái đa dạng

Hiện nay, theo như thống kê, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú, với khoảng 28 cho đến 32 loài cây ngập mặn đang sinh sống; khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá khác nhau, với 9 loài lưỡng cư, 49 loài sinh vật phù du, và còn nhiều loài nước mặn đã được công nhận và thống kê trong sách đỏ của Việt Nam và cả trên thế giới.

Đa dạng sinh học vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Ảnh:  Trần Thanh Minh)

Hàng năm, hệ động thực vật của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau lại càng thêm phong phú, đa dạng. Có được điều này là do hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt bên trong Vườn quốc gia đã giúp mang phù sa bồi đắp đất và mở rộng diện tích cho vườn.

Chức năng hoạt động

Chức năng hoạt động chính của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là bảo vệ và bảo tồn sự đa dạng sinh thái nơi đây nhằm mục đích:

– Bảo vệ tuyệt đối sự đa dạng sinh học của các loài động thực vật đang sinh sống tại nơi đây. Bao gồm các loài cây ngập mặn, các loài động vật cư trú, cung cấp thức ăn và các chất dinh dưỡng cho các loài thủy sản,….

Khỉ trong vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Ảnh: Tạ Nhật Huy)

– Vườn quốc gia Mũi Cà Mau giúp bảo tồn các mẫu sinh thái mang chuẩn có tầm quan trọng quốc gia và cả trên thế giới suốt hàng thế kỷ. Việc bảo tồn phải dựa trên những cơ sở khoa học đã được chứng nhận, các giải pháp về kinh tế xã hội để giúp bảo vệ hệ sinh thái tại đây vẫn đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ.

– Hệ thống rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn là hệ thống rừng phòng hộ giúp ngăn ngừa nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất. Hệ thống rừng ngập mặn còn giúp việc bồi đắp đất trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện phát triển cho người dân sinh sống tại đây và còn bảo vệ nơi sinh sống và cư trú của các loài động thực vật khác.

– Giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng và các hệ sinh thái đang sinh sống tại đây. Đồng thời nắm được các phương pháp và cách thức sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này.

– Giúp bảo vệ và củng cố thêm năng lực quốc phòng và bảo vệ tình hình an ninh trật tự và chính trị văn hóa tại nơi cực nam của tổ quốc.

– Cuối cùng, vườn quốc gia mũi Cà Mau giúp phục vụ cho những hoạt động du lịch của người dân trong nước và quốc tế. Phát triển các mô hình nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cũng như giữ vững được giá trị của vùng sinh thái ngập nước. Từ đó giúp đời sống của người dân được cải thiện tốt hơn.

Điểm du lịch độc đáo

Đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, du khách có thể tham quan những điểm du lịch độc đáo như đến Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng ốc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, mô hình cất nước thời kháng chiến…; tham quan, trải nghiệm, khám phá cồn Ông Trang; mua sắm chợ Đất Mũi; khám phá sông Cửa Lớn và sông Bảy Háp, hai con sông bồi đắp phù sa hàng năm cho bãi bồi Đất Mũi; hay tìm hiểu các nghề truyền thống nổi bật của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, như nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, nghề vót đũa đước, nghề làm tôm khô, nghề đóng đáy, nghề “săn” cá dứa…; và trải nghiệm du lịch homestay tại các hộ du lịch cộng đồng vùng Đất Mũi; thưởng thức loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử…

Điểm dừng chân bãi bồi

Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua tuyến du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau rất thú vị. Tuyến du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau độc đáo với đoạn đường khoảng 15km. Tham gia trải nghiệm tuyến xuyên rừng, du khách sẽ được xuôi vỏ lãi hoặc canô trên dòng kênh Lạch Vàm ngắm nhìn những dải hàu lồng san sát khắp mặt sông và có dịp tìm hiểu nghề nuôi hàu lồng – một nghề nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định nâng cao đời sống đối với người dân vùng Đất Mũi; khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, tìm hiểu những loài sinh vật dưới tán rừng, chụp ảnh lưu niệm bên những gốc đước nhiều năm tuổi, hiểu thêm về đời sống của người dân theo tuyến rừng. Bãi bồi Đất Mũi là điểm dừng chân lý tưởng để du khách có thể ngắm nhìn những đàn chim di trú, hay khám phá sự sinh sôi nảy nở kì diệu của thế giới sinh vật sinh động trên bãi bồi, bởi nơi đây là bãi đẻ của hằng hà sa số các loài thủy hải sản đặc trưng của Đất Mũi.

Cá bống sao ở vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau (Ảnh: Thanh Dũng)

Bên cạnh những hành trình tham quan, khám phá, du khách còn có dịp thưởng thức đặc sản biển trứ danh, như: cua biển, tôm tít, tôm, ba khía, cá dứa, cá kèo, cá thòi lòi, ốc len… là những sản phẩm đặc trưng và phổ biến của vùng rừng ngập mặn. Ngoài ra, du khách còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè những sản phẩm đặc trưng của vùng Đất Mũi như: tôm khô, khô cá dứa, khô các loại, mắm ba khía, đũa đước, mật ong, những sản phẩm lưu niệm mang biểu tượng Đất Mũi…

Mỗi một điểm đến du lịch thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau sẽ là một hành trình trải nghiệm mới độc đáo và sâu sắc, là dịp để du khách có cơ hội hòa nhập với thiên nhiên, khám phá cuộc sống mộc mạc dân dã của đất và người dân xứ biển.

Xem thêm: Vườn chim độc đáo trong lòng thành phố Cà Mau

Nguồn: camautourism.vn

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC