Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Tin tức du lịch
  • >
  • Những điều thú vị khi đến với du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Những điều thú vị khi đến với du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn Quốc Gia (VQG) Mũi Cà Mau thuộc địa phận hành chính của huyện và 04 xã, trong đó xã Đất Mũi, Viên An (huyện Ngọc Hiển) và xã Lâm Hải, Đất Mới (huyện Năm Căn), cách TP.Cà Mau hơn 100km. Với tọa độ địa lý: Từ 8o 32’ đến 8o 49’ vĩ độ Bắc  và Từ 104o 40’ đến 104o 55’ kinh độ Đông, VQG Mũi Cà Mau là nơi tiếp giáp với Biển Đông và Biển Tây chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều: bán nhật triều biển đông và nhật triều biển tây, là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông có trong sách đỏ của VN và thế giới.

Với hệ sinh thái đặc thù cùng với diễn thế tự nhiên nguyên sinh mà những nơi khác không có, cụ thể  với 27/32 loài cây ngập mặn (tiêu biểu là đước đôi, mắm, vẹt); 26 loài thú (thú quý hiếm như rái cá, chồn hương, mèo cá) 13 họ; 93 loài chim (cò trắng Trung quốc, điên điển, bồ nông chân xám.. Chủ yếu là chim di cư); 43 loài bò sát (điển hình là rắn hổ đước – còn gọi là rắn hổ mang chúa)… Và nhiều loài thủy hải sản khác tạo nên nguồn nguyên liệu góp phần làm phong phú văn hoá ẩm thực địa phương. Nhiều loài bò sát ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN).

Ngày 26/5/2009, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các Khu Dự trữ sinh quyển và 13/4/2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có cùng với cuộc sống, văn hóa của người dân với những truyền thống cách mạng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc cũng như là điểm tận cùng phía Nam của tổ quốc với cột mốc tọa độ số 1 đã được Việt Nam và quốc tế công nhận là một trong những ưu thế có một không hai tạo điều kiện du lịch tỉnh nhà phát triển.

Đến với du lịch Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau, du khách sẽ ấn tượng với những điều thú vị có một không hai của vùng Đất Mũi.

Những điểm đến du lịch độc đáo

Đặc biệt, khách du lịch có thể đến tham quan những điểm du lịch độc đáo của VQG như Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như Cột cờ Mũi Cà Mau, Đền Lạc Long Quân và Tượng Mẹ, Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, mô hình cất nước thời kháng chiến; Tham quan, trải nghiệm, khám phá cồn Ông Trang; Mua sắm chợ Đất Mũi; Khám phá sông Cửa Lớn và sông Bảy Háp, hai con sông bồi đắp phù sa hàng năm cho bãi bồi Đất Mũi; trải nghiệm du lịch homestay tại các hộ du lịch cộng đồng vùng Đất Mũi,…

Mỗi một điểm đến du lịch sẽ là một hành trình trải nghiệm mới độc đáo và sâu sắc. Khách du lịch sẽ có cơ hội hòa nhập và khám phá cuộc sống mộc mạc dân dã của người dân xứ biển.

Nơi lý tưởng để ngắm mặt trời mọc và lặn

Mũi Cà Mau là nơi có thể ngắm mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây. Nhiều khách du lịch khi đến đây đã từng ngắm mặt trời nhận định “ngắm mặt trời lặn và mọc ở Mũi Cà Mau là đẹp nhất”.

Khi những áng bình minh đầu tiên dần dần ló dạng với những ánh đỏ chiếu sáng khắp cả bầu trời thì rừng đước nơi đây cũng dần như thức giấc. Màu xanh bạt ngàn của đước, của mắm, của bãi bồi lóng lánh nước hòa quyện với màu xanh lam gợn đều của nước biển làm say lòng những người đến đây. Và khi chiều về, hoàng hôn buông xuống kéo theo những bóng mây nhiều màu sắc làm cho khung cảnh của Đất Mũi thêm trữ tình, lãng mạn.

Độc đáo nhà không cửa

Nhà không cửa là một nét văn hóa độc đáo của người dân ấp Xóm Mũi, xã Đất Mũi. Hiện nay, ấp có khoảng 350 hộ gia đình, trong đó có gần 40% hộ cất nhà nhưng không làm cửa. Đây cũng là nơi còn tồn tại nhiều ngôi nhà không cửa nhất trên địa bàn xã. Sở dĩ nơi đây, người dân chủ yếu làm nhà không cửa là do đặc thù chủ yếu là họ làm nghề biển, làm nhà không cửa để thuận tiện vận chuyển thủy hải sản lên xuống cho tiện và rộng rãi.

 Cái đáng quý nhất ở những ngôi nhà không cửa chính là sự gắn bó, đậm đà tình làng nghĩa xóm. Người dân mình vẫn còn lưu giữ, tiếp nối phong tục tốt đẹp một thời của cha ông. Chính vì thế mà nhà không cửa trở thành một nét văn hóa ứng xử đẹp của người dân Xóm Mũi trong lòng mỗi khách du lịch khi đến đây.

Nơi bãi bồi quanh năm lấn biển (bãi bồi phía Tây)

Bãi bồi tại Mũi Cà Mau hình thành từ sự bồi lắng phù sa tại các cửa sông: Cửa Lớn, Bảy Háp và sông rạch khác trong vùng.

Hàng năm, tại bãi bồi phía tây Mũi Cà Mau, đất được bồi lấn ra biển khoảng 80 – 100m, là nơi lý tưởng của các loài chim đi di trú hàng năm ( đây có thể xem là một trong các tiêu chí để công nhận VQG Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới). Bãi bồi còn là bãi đẻ thiên nhiên của đa số các loài thủy sản đang trong giai đoạn còn non và quy tụ cả là một thế giới sinh vật đặc trưng của vùng Đất Mũi: tôm, cua, cá thòi lòi, bống sao, còng gió, ba khía, ốc len, sò huyết… Với điều kiện tự nhiên có một không hai này, bãi bồi không chỉ có ý nghĩa kinh tế, nghiên cứu khoa học mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Đất Mũi.

Diễn thế sinh thái tự nhiên mắm đi trước, đước theo sau

Bãi bồi Mũi Cà Mau được hình thành từ sự lắng đọng phù sa của hai con sông lớn là sông Cửa Lớn và sông Bảy Háp. Mắm là cây tiên phong của vùng đất bồi ven biển. Mỗi năm Mũi Cà Mau vươn ra biển được gần 80 – 100m cũng một phần nhờ loài cây mắm.

Đặc điểm của cây mắm là loại cây dễ bén rễ ở vùng đất bồi, cắm bộ rễ tua tủa trên phần đất bùn tại bãi bồi, những phần rễ mắm mọc ngược trở lên và tiếp tục giữ lại những lượng phù sa bị sóng đánh vào bãi. Đến khi mảnh đất chỗ đó dần dần nổi lên khỏi mặt nước, mặt đất bắt đầu săn lại thì cũng là thời điểm mắm cho quả. Vào khoảng tháng tư hàng năm là thời điểm cây mắm bị sâu phá hoại trầm trọng. Lúc này cây đước từ phía đất liền bắt đầu lấn chiếm ra phía bãi mắm. Do phải tập trung nhiều vào bộ rễ để giữ đất nên phần thân và tán mắm bị sâu phá hoại trầm trọng chẳng thể nào cạnh tranh lại với đước. Cây đước hưởng phù sa đất mới nên phát triển xanh tốt và lấn át cây mắm. Đước vươn cao đón hết những ánh mặt trời, tán đước che lấp toàn bộ loài mắm, thấp bé hơn bên dưới. Mắm chết dần và trước khi chết, mắm vẫn còn kịp ra hoa, kết trái và tung trái, về phía chút đất non còn hoà với nước biển. Những hạt mầm lại tiếp tục sinh sôi để giữ đất và đất từ đó lại tiếp tục mở ra. Đó là lý do vì sao người dân Cà Mau hay nói “Mắm trước, đước sau,…”.

Những cây mắm hình thành nên bãi bồi Đất Mũi

Đặc sản biển trứ danh

Cua biển, tôm tít, tôm, ba khía, cá dứa, cá kèo, cá thòi lòi, ốc len,… là những sản phẩm đặc trưng và phổ biến của vùng rừng ngập mặn. Đặc biệt là cua, tôm Cà Mau nổi tiếng với vị ngọt bùi, thịt thơm và chắc nịch theo từng thớ thịt bởi sinh sống ở vùng đất bãi bồi ven biển, phù sa giàu khoáng chất và thức ăn phong phú. Nhiều món ăn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách bởi hương vị đặc trưng như cua biển luộc, tôm hấp nước dừa, cá dứa kho tộ, mắm ba khía, ốc len xào dừa, cá thòi lòi nướng muối ớt, hàu nướng mỡ hành,…

Ngoài ra, du khách còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè những sản phẩm đặc trưng của vùng Đất Mũi như tôm khô, khô cá dứa, khô các loại, mắm ba khía, đũa đước, mật ong, những sản phẩm lưu niệm mang biểu tượng Đất Mũi,…

Nghề truyền thống

Người dân Đất Mũi từ thời khai hoang mở cõi đã biết gắn bó với sông nước, biển, rừng,… dần dần đã sinh ra một số nghề truyền thống không chỉ kiếm thêm thu nhập phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn góp phần làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch ở Cà Mau. Các nghề  truyền thống nổi bật của VQG Mũi Cà Mau gồm có: Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; Nghề vót đũa đước; Nghề làm tôm khô; Nghề đóng đáy; Nghề “săn” cá Dứa,…

Ngắm di tích lịch sử và thắng cảnh đảo Hòn Khoai từ xa

Đến với đất mũi Cà Mau du khách có thể nhìn thấy cụm đảo Hòn Khoai trên biển, cách đất liền chừng 20km. Đây là cụm đảo đẹp bao gồm các đảo Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, và Hòn Đồi Mồi.

Là một trong những hòn đảo đẹp nhất của vùng đất Mũi Cà Mau. Đảo Hòn Khoai không chỉ có giá trị lịch sử lưu dấu những chiến công hiển hách gắn liền với người anh hùng Phan Ngọc Hiển, du khách còn bị lôi cuốn bởi một vẻ đẹp nên thơ, hoang dã với những viên đá cuội hình tròn giống như quả trứng ngỗng, cùng với những thảm rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú.

Thưởng thức loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại Khu Du lịch Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là sân chơi bổ ích để người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này sinh hoạt, đổi trao trong tiếng đàn, lời ca, vừa là một điểm nhấn đặc sắc cho sản phẩm du lịch Đất Mũi.

Ngoài ra, tại các điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi du khách có thể tham gia và thưởng thức loại hình du lịch đờn ca tài tử theo kiểu “cây nhà, lá vườn” là dịp để du khách giao lưu, trổ tài và thể hiện năng khiếu văn nghệ của mình. Niềm đam mê nghệ thuật đã xoá bỏ đi khoảng cách gần xa, gắn kết người với người và người với đất lại với nhau để cảm nhận hết vẻ đẹp thiêng liêng của vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Thú vị  với tuyến du lịch xuyên rừng VQG Mũi Cà Mau

Tuyến du lịch xuyên rừng VQG Mũi Cà Mau độc đáo với đoạn đường khoảng 15km. Tham gia trải nghiệm với tuyến xuyên rừng, du khách sẽ được xuôi vỏ lãi hoặc canô trên dòng kênh Lạch Vàm ngắm nhìn những dải hàu lồng san sát khắp mặt sông và có dịp tìm hiểu nghề nuôi hàu lồng, môt nghề nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định nâng cao đời sống đối với người dân vùng Đất Mũi; Khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, tìm hiểu những loài sinh vật dưới táng rừng, chụp ảnh lưu niệm bên những gốc đước nhiều năm tuổi, đời sống của người dân theo tuyến rừng; Bãi bồi Đất Mũi là điểm dừng chân lý tưởng để đây du khách có thể ngắm nhìn những đàn chim di trú mỗi bận về đây, bao quát tầm mắt của mình bên những dãy đất bồi dần dần mở ra đi về phía biển, những rặng mắm với nhiều chồi non lút nhút đang dần dần vươn lên hình thành nên những phần rừng mới đậm nét hoang sơ, du khách có thể vô tình chạm tầm mắt của mình khi bắt gặp những sự cựa quậy, chuyển động bởi thế giới sinh vật sinh động trên bãi bồi bởi nơi đây là bãi đẻ của hằng hà, sa số các thủy hải sản đặc trưng của Đất Mũi.

Tuyến xuyên rừng còn độc đáo thú vị hơn bởi những vị thuyết minh địa phương thân thiện mến khách, du khách sẽ có dịp được thưởng thức những câu giọng cổ bùi tay, những bài hát trữ tình lãng mạn về Cà Mau hay những mẫu chuyện kể thú vị vui nhộn bởi chất giọng Cà Mau chân phương và gần gũi.

Du khách hào hứng bên những gốc đước nhiều năm tuổi với tour du lịch xuyên rừng VQG Mũi Cà Mau

Xem thêm: Khám phá rừng ngập mặn mũi Cà Mau

Ảnh và bài viết: Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC