Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Tin tức đầu tư
  • >
  • Tỉnh Cà Mau tạo điểm nhấn phát triển kinh tế từ thu hút đầu tư

Tỉnh Cà Mau tạo điểm nhấn phát triển kinh tế từ thu hút đầu tư

Tỉnh Cà Mau cam kết tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng và đảm bảo thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) tỉnh Cà Mau hỗ trợ nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, thủy hải sản, cơ sở hạ tầng… tại huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau) 
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) tỉnh Cà Mau hỗ trợ nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, thủy hải sản, cơ sở hạ tầng… tại huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau) 

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, năm 2023, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết giải pháp đề ra là ngay từ đầu năm sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với nhiệm vụ cải cách hành chính; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cũng như các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn. Song hành với việc đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các địa phương cần chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt công chức, công chức…; cơ cấu và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đúng người đúng việc, bộ máy tinh gọn, chất lượng, hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng và đảm bảo thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư; chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Năm 2023, tỉnh chủ động mời gọi đầu tư các dự án, chương trình trọng điểm nhằm tạo điểm nhấn đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế và có sự chủ động rà soát để đảm bảo các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với quy hoạch. Công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng sẽ được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Cà Mau tìm hiểu và đầu tư thêm nhiều dự án mới.

Trên địa bàn tỉnh có 432 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư 140.986 tỷ đồng; trong đó có 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 152,5 triệu USD.

Thời gian qua, cải cách thủ tục tục hành chính ở Cà Mau có sự khởi sắc, đổi mới, tinh gọn, nâng cao về chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính; thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, rút ngắn thời gian trả kết quả…, tạo được niềm tin và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy công vụ liên quan đến cải cách hành chính từ tỉnh đến cơ sở./.

Xem thêm: Gỡ “Nút thắt” để phát triển ngành công nghiệp tái chế

Kim Há vietnamplus.vn thực hiên·

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC