Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Về Cà Mau xem chụp… đìa!

Vùng đất U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) có cách bắt cá độc đáo là không cần tát nước mà vẫn bắt được cá trong ao một cách nhanh chóng nhất, dân gian gọi là ‘chụp đìa’.

Nhắc đến U Minh, chắc chắn trong mỗi chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một nơi nổi tiếng với những sản vật về “chim trời, cá nước”. Bởi lẽ, vùng đất này đã sản sinh rất nhiều sản vật, đồng thời đây cũng là vùng đất khai hoang muộn màng nên tạo điều kiện thích nghi, là nơi trú ngụ cho các loài tôm cá.

Trong ký ức của nhiều người, hẵn còn nhớ những địa danh từng có một thời nổi tiếng về cá đồng như: U Minh, Tân Hiệp, Bào Hang, Thanh Tùng,…Ngày nay, nói đến cá đồng nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Vườn Quốc gia U Minh hạ, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của cá đồng.

Thợ “chụp đìa” đang dùng lưới chụp cá trong một con kênh ở U Minh Hạ.

Để khai thác lượng cá “trời ban” này thì có rất nhiều cách để bắt cá, nào là tát đìa, giăng lưới, đặt lờ, mò cá,… Nhưng chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất, vừa đỡ tốn thời gian vừa không mất nhiều công sức lại bắt được nhiều cá.

Chụp đìa rất đơn giản, trước tiên người ta dọn sạch cỏ rác trên mặt nước, rồi dùng một tấm lưới bằng ni lông, mắt lưới nhỏ và tấm lưới ấy luôn dài và rộng hơn khổ đìa. Sau đó, người ta thả cuộn lưới ấy giữa lòng đìa và hai người ở dưới nước căng viền lưới ra hai bên thành đìa, dùng ghim bằng một khúc cây sậy dài chừng 40cm, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa, ngập dưới mặt nước chừng 20cm và khoảng cách giữa các cây ghim khoảng 60cm.

Sau một công đoạn kéo lưới, toàn bộ cá trong lưới được gom lại với đủ loại cá đồng nằm trong giàn lưới.

Sau khi ghim toàn bộ viền lưới vào thành đìa xong, tức là toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới, khi cá thấy ngợp sẽ men vào thành đìa tìm chỗ hở để chui lên. Đợi chừng 1 giờ sau, cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, lần này sẽ ghim dày hơn để không cho cá chui ngược trở xuống. Công đoạn tiếp theo là kéo hai viền lưới ghim lại trên bờ đìa rồi mới kéo lưới ghom cá về một đầu đìa để bắt.

Chụp đìa như thế thì tất cả các loài cá bắt được đều rất khỏe mạnh, nước dưới đìa còn nguyên vẹn và người ta dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau. Ngày trước khi cá còn rất nhiều, có những khẩu đìa thu hoạch hơn cả chục tấn cá, nên khi kéo lưới đến hơn nữa chiều dài của đìa là phải xúc cá. Vì vậy, người ta neo lưới lại để cho nhân công làm cá trong vài ngày chứ tát đìa thì không thể làm được điều này.

Dùng vợt để xúc cá lên.

Anh Nguyễn Hữu Duyên (46 tuổi, ngụ ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau – người đã có hơn 20 năm làm nghề chụp đìa) cho biết, ngày trước, khi cá đồng còn nhiều thì sẽ có mùa đìa. Bởi nhiều nơi sẽ chụp đìa đồng loạt. Còn ngày nay, ở những nơi như U Minh Hạ thì mới còn cảnh chụp đìa do lượng cá đồng ngày càng cạn kiệt.

Về Cà Mau xem chụp… đìa!
Phân loại, kích cỡ cá.

“Trước khi chụp đìa khoảng 1 ngày, chúng tôi rào kín các họng đìa, ngăn cá nhảy ra ngoài. Thông thường, bắt cá ở rừng sẽ thu được nhiều cá đồng. Số lượng vài trăm kg cá đồng là chuyện bình thường”, anh Duyên chia sẻ.

Bây giờ đồng đất nơi đâu cũng là lúa tăng vụ, con cá đồng không thể sống trong môi trường quá nhiều hóa chất, nghề đìa cá ở vùng bán đảo Cà Mau cũng đã và đang lụi tàn dần. Quả thật, bây giờ chụp đìa còn rất ít và không bao lâu nữa sẽ chỉ còn là chuyện kể mà thôi.

Xem thêm: Phát triển du lịch Cà Mau: Dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt

V.T(baomoi.com thực hiện)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC