Với những ngư dân và chủ tàu chuyên đánh bắt thủy sản trên biển, hình tượng cá “ông” (cá voi) luôn được xem là biểu tượng của sự che chở siêu nhiên có gần trăm năm. Tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 2 âm lịch luôn diễn ra lễ hội “Nghinh Ông” với qui mô được xem là lớn nhất ĐBSCL.
Lễ hội văn hóa dân gian
Ông Võ Văn Phuông, 83 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời kể rằng: Lễ hội văn hóa nầy có từ năm 1925 bắt nguồn từ sự kiện ngư dân phát hiện xác một con cá “ông” trôi dạt vào bờ. Theo truyền thuyết xa xưa loại cá này là cứu tinh cho các tàu, thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển khơi, vì vậy người dân rất tôn kính và biết ơn loài cá này nên gọi là “ông”, và “cá ông” tại Sông Đốc được gọi là Nam Hải Đại Tướng Quân. Tiếp đó nhiều cá “ ông” khác cũng đã “ lụy” tại cửa biển nầy vào các năm 1951, 1953, 1963. Từ đó lăng ông tại đây thờ tự các bộ xương sườn, cốt… của cá “ông”. Cạnh đó lăng nầy còn có hai bộ xương cá Đao, được xem là cá thần bảo vệ “ông” không bị cá dữ tấn công. Lăng mộ này đã được Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật trao bằng bảo trợ vào tháng 03/2013. Đặc biệt đời vua Gia Long năm thứ tư đã sắc phong thần là Đại Càn Nam Hải Thượng Đẳng thần.
Ông Trần Minh Đặng – Phó Vạn lăng Ông, cho biết: “Ngày cúng ông là ngày hội của người dân vùng biển, đây là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, biểu hiện cho tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để bà con làm nghề biển cầu mong một năm làm ăn phát đạt, cùng nhau vượt khó vươn lên chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên”.
Rộn ràng ngày hội “Nghinh ông”
Vào những ngày diễn ra lễ hội, xung quanh khu vực lăng được trang hoàng rất đẹp mắt với nhiều cờ phướn. Có rất nhiều khách đến rất sớm để thắp nhang tại chánh điện và miếu bà Thủy Long. Địa phương luôn bố trí lực lượng công an, bộ đội biên phòng, Thanh tra giao thông, dân quân tự vệ để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong và ngoài khu vực tổ chức lễ.
Ông Dương Tấn Biểu, Chánh chủ Vạn lăng cho biết thêm “…hàng năm chúng tôi đều lên kế hoạch chu đáo, đảm bảo an ninh không để bọn xấu trà trộn để móc túi, cướp giật, gây rối trật tự và kiên quyết không để xảy ra tệ nạn mê tín dị đoan, giữ vũng nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có…”.
Theo ông Biểu, nhiều năm nay về phần lễ vẫn giữ nguyên các nghi thức như những năm trước, riêng phần hội thì phong phú hơn, đa dạng hơn với các hoạt động văn hóa, thể thao. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh CoVid – 19 nên chúng tôi thông báo với du khách không nên tu tập đông người. Phần chúng tôi tổ chức đơn giản nhũng không vì thế mà mất đi vẽ đẹp văn hóa và sự tôn vinh. Cụ thể đêm 14 âm lịch thường diễn ra các buổi biểu diễn đơn ca tài tử, hát bội, cải lương…Trước đó vào ban ngày là các hoạt động thi đấu thể dục thể thao, trò chơi dân gian…
Anh Võ Văn Vũ, quê Hậu Giang nói vui “…năm nào đến lễ hội nghinh ông, tui cũng tới đây bán nhang, trái cây vừa kiếm thêm thu nhập, vừa đốt nhang cầu nguyện cho gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra, hàng năm nay du khách tới rất nhiều”
Lễ hội “Nghinh Ông” ở Sông Đốc có nhiều nghi thức rất trang trọng, mang đậm nét văn hóa dân gian xưa như: trước giờ ra biển “nghinh ông” buổi lễ chính tại Chánh điện có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ) 12 nữ học trò lễ, 02 nữ cung hầu, 01 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ đang đứng hầu tay giương cao các ngọn cờ nước, những lá cờ phướn có ghi dòng chữ “Nam Hải Đại Tướng Quân” cùng hàng ngàn người chuẩn bị rước kiệu trong tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng của đội nhạc lễ.
Nếu như trước đây, vào ngày 15/2 âm lịch người dân và BTC đặt vong linh “ ông” giữ lăng lên kiệu để đặt lên tàu cá tiến ra biển Tây. Khi đoàn rước kiệu đi đến đâu, người dân hai bên đường thắp đèn, lập bàn thờ với nhiều trái cây, trải chiếu vái lạy cầu nguyện nhiều điều tốt lành. Sau đó hàng ngàn thủy thủ trên hàng trăm tàu đánh bắt thủy sản reo hò, đánh trống múa lân trong tiếng nhạc rộn ràng “hộ tống” phía sau chiếc tàu đánh bắt đang chở kiệu ông. Sau khoảng 30 đến 60 phút ra biển Tây, cả đoàn tàu rước kiệu quay về trong sự vui mừng của mọi người.
Đã 95 năm qua lễ hội nầy đã được chính quyền và người dân thị trấn Sông Đốc ( huyện Trần Văn Thời) tổ chức rất chu đáo đúng theo nghi thức cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc Việt thu hút hàng chục ngàn người từ mọi miền đất nước cùng tham gia trở thành nét chấm phá rất hấp dẫn mang tính tâm linh trên vùng quê biển Cà Mau.
Xem thêm: Viết về Du lịch Cà Mau – Kỳ 2: Về Miền Đất Mũi Cà Mau