Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Vua Hùng – Từ cảm thức lịch sử đến cảm hứng thời đại

Cách đây 15 năm, tôi từ Mũi Cà Mau về nhập học ở Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội. Ngay cả những người thân và đồng nghiệp báo chí hiện nay hầu như ít biết tôi nhập học ở ngành Cử nhân khoa học Lịch sử. Vậy là có mấy tháng đầu tiên học ở khoa Lịch sử, một trong những khoa có thâm niên và thành tích lẫy lừng, đặt nền móng để hình thành nhà trường. Sau đó, tôi chuyển sang học ở khoa Văn học, hệ chất lượng cao. Nhưng dấu ấn về những người thầy, người bạn ở khoa Lịch sử thì vẫn vô cùng sâu đậm. Tôi nhớ GS.TS Nguyễn Văn Kim, hiện đang là Phó hiệu trưởng nhà trường, đã cho tôi những cảm thức đầy mới mẻ về khoa học lịch sử.

Với những nhà khoa học gạo cội của Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội, thì mệnh đề “Văn – Sử – Triết bất phân” không có gì lạ lẫm. Cũng từ ấn tượng ấy, mà về sau, dù theo chuyên ngành Văn học, tôi vẫn cố gắng thâu lượm những kiến thức lịch sử với nhu cầu tự thân và phương pháp, tư duy của những người thầy đã khai sáng. Lịch sử không đơn giản là cái đã qua, cái nằm im và minh triết. Lịch sử còn có trong dã sử, huyền sử, trong kho tàng tri thức dân gian và cả những góc khuất. Lịch sử là tri thức, là những bài học kinh nghiệm, nhưng ở mức độ cao nhất, lịch sử giúp mỗi con người biết về nguồn cội, tự hào về nguồn cội, để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp với cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Vua Hùng – Từ cảm thức lịch sử đến cảm hứng thời đại
Thầy, cô và học sinh Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Thới Bình về nguồn tại Ðền thờ Vua Hùng, để thêm tự hào về quê hương, nguồn cội.

Trong những ngày học tập trên đất Bắc, tôi may mắn được đi nhiều di tích nổi tiếng. Ở Hà Nội thì có Hoàng thành Thăng Long; Ðền Gióng, huyện Sóc Sơn; Thành Cổ Loa, huyện Ðông Anh. Nhưng khát khao cháy bỏng nhất của bản thân là được một chuyến hành hương về Ðền thờ Vua Hùng ở đất Phú Thọ. Tôi có thằng bạn quê Vĩnh Phúc, tỉnh tách ra từ Vĩnh Phú, tất nhiên là về Phú Thọ rất gần. Vậy là Tết không về quê, theo bạn về miền đất Tổ. Tôi nói với bạn: “Quê tao ở Cà Mau cũng có Ðền thờ Vua Hùng”, vậy là thằng bạn trố mắt ngạc nhiên. Tôi chỉ trả lời rằng: “Ðâu trên nước Việt Nam này không là con cháu Vua Hùng, có gì mà lạ”.

Chỉ riêng đất Vĩnh – Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ) đã có 345 di tích, còn trên cả nước có đến 1.417 di tích có liên quan đến các triều đại Vua Hùng (số liệu tin cậy được Cục Văn hoá thông tin cơ sở – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố). Các di tích này, ngoài thờ tự các đời Vua Hùng, còn thờ tự Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ, thờ vợ con tướng lĩnh, hùng hầu, hùng tướng…

Lần hành hương về Ðền thờ Vua Hùng ở đất Tổ Phú Thọ, tôi chỉ là một sinh viên thích khám phá, tò mò. Thế nhưng, khi được đặt chân đến nơi, lòng không khỏi bồi hồi những cảm xúc khó tả. Những điều đã ghi trong chính sử, dã sử, huyền sử và dân gian về Vua Hùng thì thật sự mênh mông, kỳ vĩ. Nhưng có lẽ, chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, một cảm thức nguồn cội rõ ràng nhất về dân tộc mới được khẳng định: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác Hồ đã khái quát cảm thức ấy trong một mệnh đề ngắn gọn, cô đọng cả không gian, thời gian và gói trọn cả hồn cốt, khát khao và chí hướng của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Niềm vinh dự ấy lan toả đến tận mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc – Cà Mau. Tôi may mắn vì khi về làm phóng viên báo Cà Mau, có nhiều lần về thăm, viết bài về Ðền thờ Vua Hùng, toạ lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau Dương Minh Vĩnh thông tin: “Qua các tài liệu và thông tin điền dã tin cậy, Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau đã hình thành trên 150 năm”. Rồi sau nhiều lần về Giao Khẩu, được các bậc cao niên kể lại, tôi càng có một hình dung rõ ràng hơn về quá trình hình thành và giá trị của Ðền thờ Vua Hùng ở Cà Mau.

Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được hình thành trong quá trình tiền nhân “mang gươm đi mở cõi” tiến về phương Nam. Ban đầu, nơi đây được gọi là miếu Ông Vua. Miếu được xây cất bằng cây lá địa phương, chỉ có một bài vị ghi đôi hàng chữ Nho. Nhưng kể từ khi được xây cất, ngôi miếu ấy chưa một lần gián đoạn khói hương. Từ thời kháng Pháp, đến thời chống Mỹ, Nhân dân địa phương nối đời hương khói, thờ tự. Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, đến mùng 10/3 âm lịch, người dân vẫn cố gắng nấu nồi cơm trắng, dĩa cá kho, đòn bánh tét để dâng cúng Vua Hùng. Sau này, miếu Ông Vua được đổi tên thành Ðền thờ Vua Hùng, cúng bái trang trọng. Ðây cũng là một trong những di tích trọng điểm được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh của Cà Mau năm 2011.

Hiếm có di tích nào tại Cà Mau lại tạo ra được sức lan toả mạnh mẽ như Ðền thờ Vua Hùng. Hàng năm, đến dịp giỗ Tổ, chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân địa phương chăm lo chu đáo cho cả phần lễ và phần hội. Dòng người đổ về viếng từ khắp nơi, mỗi năm đông thêm. “Hằng năm ăn đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Nguyễn Khoa Ðiềm), và không chỉ là dịp nhớ về nguồn cội, tâm thức của mỗi người đều hướng đến khát vọng cao đẹp, nguyện cầu “quốc thái dân an”.

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, và thời đại Hồ Chí Minh không chỉ là giữ nước, mà còn là hành trình phát triển, hướng tới đài vinh quang để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay”. Cảm thức nguồn cội về ngày giỗ Tổ, trong thời điểm hiện tại, đã trở thành cảm hứng thời đại để Việt Nam tiến bước.

Bất tử trong tâm tưởng người Việt Nam, chung một cội nguồn, chung một phút giây: “Dù ai đi ngược, về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”…

Xem thêm: Thiêng liêng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên mảnh đất miền Tây

Phạm Quốc Rin(baocamau.com.vn)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC