Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

“Xây nhà” cho cá

Sau hơn 3 năm thực hiện dự án thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển Tây, đã có 900 khối rạn bê tông được thả xuống đáy biển làm nơi trú ẩn cho tôm, cá và nhiều loài sinh vật biển sinh sôi, phát triển. Trong đó, nhiều loài có giá trị kinh tế và giá trị sinh cảnh cao, thích hợp trong phát triển du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, cho biết, từ năm 2019, được sự hỗ trợ dự án từ Chính phủ Thái Lan, tỉnh Cà Mau đã tổ chức thả 500 khối rạn bằng bê tông xuống khu vực biển Tây để làm nơi trú ngụ cho tôm, cá. Tiếp nối thành công bước đầu, năm 2022, từ Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tỉnh tiếp tục thả thêm 400 khối rạn bê tông xuống đáy biển để  “xây nhà” cho cá.

Xây nhà cho cá
900 khối rạn nhân tạo được thả dưới đáy biển cho các loài thuỷ sản vào ẩn náu và sinh sản.

Những tín hiệu lạc quan

Qua các lần thăm dò tại khu vực thả 900 khối rạn nhân tạo với diện tích 1,88 km2 làm nơi trú ẩn để bảo vệ cá non tránh khỏi các ngư cụ khai thác mang tính huỷ diệt, ông Nguyễn Việt Triều phấn khởi: “Theo kết quả lặn khảo sát nguồn lợi thuỷ sản, trước khi thả rạn không tìm thấy được loài nào tại 5 điểm khảo sát, sau khi thả rạn cho thấy hệ sinh thái tại đây đã phục hồi đáng kể với hơn 78 loài đại diện được tìm thấy thường xuyên qua các lần lặn quan sát. Trong đó, mật độ cá chiếm tỷ lệ cao với 48 loài, chiếm 61,5 %; tiếp đó là nhóm động vật sống ở tầng đáy rạn với 23 loài, chiếm 29,5%; nhóm động vật đeo bám theo rạn có 7 loài, chiếm 9%”.

Việc nguồn lợi thuỷ sản được phục hồi đã tạo hiệu ứng về tuyên truyền người dân trong khu vực tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để phát triển nghề cá bền vững. Ðồng thời, chất lượng môi trường trong và quanh khu vực thả rạn được cải thiện, các loài sinh vật đeo bám giá thể rạn gia tăng, làm mắt xích trong chuỗi thức ăn tự nhiên, tạo nơi cư trú lý tưởng cho các loài sinh vật biển, qua đó khôi phục được nguồn lợi thuỷ sản.

Ðặc biệt, qua kết quả điều tra hiệu quả về thu nhập của ngư dân trong vùng trước và sau khi thả rạn cho thấy nguồn lợi thuỷ sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, sau khi thả rạn, nghề lưới rê có sản lượng khai thác trung bình tăng 75,97 kg/chuyến (tăng 15,46%), theo đó lợi nhuận tăng 6,57 triệu đồng/chuyến (tăng 63,26%); đây là nghề khai thác được hưởng lợi ích nhiều từ việc thả rạn, bởi với kích thước mắt lưới lớn, khai thác chọn lọc các loài có giá trị kinh tế cao (cá thu, cá bớp, cá chét, cá bè). Ðối với nghề lồng xếp, sản lượng khai thác trung bình tăng 295,22 kg/chuyến (tăng 27,45%), theo đó lợi nhuận tăng 14,10 triệu đồng/chuyến (tăng 46,46%). Với nghề câu mực, sản lượng khai thác trung bình của nghề câu tay mực tăng 13 kg/chuyến (tăng 16,15%), theo đó lợi nhuận tăng 0,61 triệu đồng/chuyến (tăng 13,23%). Nghề ốc bẫy mực, sản lượng khai thác tăng lên 125 kg/chuyến (tăng 9,58%), theo đó lợi nhuận tăng 16,79 triệu đồng/chuyến (tăng 34,06%).

“Về kết quả khảo sát thành phần loài thương phẩm của các ngư dân khai thác trong khu vực trước khi thả rạn và sau khi thả rạn, ban đầu chỉ xác định được 40 loài thương phẩm trong các mẻ khai thác, trong đó có 25 loài cá, 8 loài giáp xác và 7 loài thân mềm. Sau khi thả rạn, số lượng loài thương phẩm trong các mẻ khai thác tăng lên đáng kể, với 97 loài, trong đó có 62 loài cá, 15 loài giáp xác và 20 loài thân mềm”, ông Triều vui mừng cho biết thêm.

Nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao được phát hiện sau khi thả rạn.

Mở rộng khu vực thả rạn

Những kết quả điều tra, khảo sát trên là tín hiệu rất tích cực trong việc sử dụng rạn nhân tạo để làm nơi trú ẩn cho các loài sinh vật biển phát triển, thông qua đó nguồn lợi thuỷ sản còn non theo thời gian sẽ phát tán vào vùng biển, tạo nên ngư trường ổn định cho ngư dân khai thác bền vững, tác động tích cực đối với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để khai thác bền vững trong tương lai.

Sự xuất hiện của các loài cá dữ (cá bớp, cá thu, cá bè, cá nhồng, cá mú, cá hường…) cho thấy chuỗi mắt xích thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Ðặc biệt là xuất hiện một số loài cá có giá trị sinh cảnh, như cá bướm, cá thia, cá hoàng hậu đuôi trắng. Việc nguồn lợi thuỷ sản tại khu vực rạn đang dấu hiệu phục hồi đã tạo được sự quan tâm của cộng đồng ngư dân địa phương trong việc bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản.

Tuy nhiên, ông Triều trăn trở: “Hiện nay, tổ đồng quản lý rạn nhân tạo có 15 thành viên tham gia với 33 tàu cá của các thành viên, hoạt động dựa trên hợp đồng hợp tác kèm theo quy chế hoạt động giữa các thành viên đề ra, chưa được tổ chức đúng theo chức năng quy định trong Luật Thuỷ sản 2017 về đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nên còn gặp một số khó khăn nhất định, như năng lực điều hành hoạt động của Tổ đồng quản lý còn hạn chế, đôi lúc hoạt động vẫn còn rời rạc, chưa gắn kết được tất cả thành viên; thiếu thốn trang thiết bị, phương tiện, kinh phí để hoạt động. Các thành viên tổ vẫn còn nể nang tình hàng xóm, láng giềng nên chưa mạnh dạn ngăn chặn dứt khoát đối với các trường hợp vi phạm là người địa phương. Sự hỗ trợ của lực lượng chức năng đôi lúc chưa kịp thời”.

Từ các kết quả trên có thể thấy, việc triển khai thả rạn nhân tạo để mở rộng thêm diện tích hiện có và nhân rộng thêm tại các khu vực biển khác có điều kiện tương đồng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đưa ngành khai thác thuỷ sản hướng đến nghề cá bền vững. Hướng đi này là phù hợp với chủ trương.

Ông Triều thông tin, hiện nay Chi cục Thuỷ sản đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến phương án triển khai mở rộng thêm diện tích rạn nhân tạo trong thời gian tới./.

Xem thêm:  Đất mũi Cà Mau tăng cường tạo điểm nhấn để kích cầu du lịch

Trung Ðỉnh

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC